Mỹ hỗ trợ 162 triệu USD để mở rộng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn
Với quyết tâm tăng cường khả năng sản xuất chip trong nước, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố khoản hỗ trợ 162 triệu USD để mở rộng 2 nhà máy sản xuất chip bán dẫn.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết khoản hỗ trợ 162 USD được cấp cho công ty Microchip Technology, trong đó 90 triệu USD để cải tiến một nhà máy của hãng ở Colorado Springs, bang Colorado và 72 triệu USD để mở rộng một nhà máy khác ở Gresham, bang Oregon.
Các khoản đầu tư này sẽ giúp Microchip Technology tăng gấp ba lần sản lượng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy nước ngoài.
Phần lớn số tiền sẽ được dùng để sản xuất các bộ vi điều khiển dành cho các ứng dụng quân sự, xe hơi, thiết bị gia dụng và thiết bị y tế. Các quan chức chính phủ cho biết họ dự kiến các khoản đầu tư này sẽ tạo ra 700 việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất trong thập kỷ tới.
Ông Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng, nhấn mạnh rằng khoản tài trợ này sẽ giúp kiềm chế lạm phát.
Theo ông Brainard, chip bán dẫn là đầu vào chính của rất nhiều hàng hóa quan trọng đối với nền kinh tế, đồng thời việc sản xuất chip nhiều hơn ở Mỹ sẽ làm giảm các vấn đề về nguồn cung khiến giá xe hơi và máy giặt, cùng với các hàng hóa khác, tăng lên khi đất nước thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào năm 2021.
Tỷ lệ lạm phát kể từ đó đã giảm bớt, nhưng những "vết sẹo" do giá cả tăng đột ngột gây ra đã làm tổn hại đến sự tán thành của công chúng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Vào tháng 8 năm 2022, Tổng thống Biden đã ký Đạo luật Khoa học và Chip, cung cấp hơn 52 tỉ USD để thúc đẩy sự phát triển và sản xuất chip bán dẫn ở Hoa Kỳ. Vào tháng 12, Bộ Thương mại thông báo về khoản tài trợ đầu tiên, cung cấp 35 triệu USD cho BAE Systems, công ty dự định mở rộng nhà máy sản xuất chip ở New Hampshire, chuyên cung cấp cho máy bay quân sự như F-15 và F-35.
Các quan chức chính phủ Mỹ dự kiến sẽ thực hiện các cam kết tài trợ bổ sung trong năm nay./.