Mỹ dẫn đầu 4 nước tập trận ở Biển Đông

Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung chính thức đầu tiên ở Biển Đông hôm 7/4. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Philippines cũng đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên tại Washington vào ngày 11/4 và dự kiến sẽ công bố lịch tuần tra chung ở Biển Đông trong năm nay.

Theo báo cáo, cuộc tập trận này nhằm duy trì trật tự quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời sẽ giúp tăng cường khả năng tương tác của 4 nước trên các phương diện lý thuyết, chiến thuật và kỹ năng. Theo tin tổng hợp từ các nguồn tin như Bộ Quốc phòng Philippines và Đại sứ quán Nhật Bản tại Philippines, các yếu tố cơ bản của cuộc tập trận lần này gây được sự chú ý và có vẻ được thiết kế một cách cẩn thận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng, ngày 11/4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng, ngày 11/4.

Cuộc tập trận diễn ra ở ngoài khơi phía Tây Bắc đảo Palawan của Philippines, thuộc vùng đặc quyền kinh tế bên ngoài lãnh hải của Philippines và được giới truyền thông nước này gọi là vùng biển tranh chấp. Các hạng mục huấn luyện bao gồm tác chiến chống tàu ngầm, thông tin liên lạc giữa các tàu và tạo đội hình. Trong đó, tác chiến chống tàu ngầm là lĩnh vực công nghệ quân sự nhạy cảm và chỉ có các đồng minh mới triển khai hợp tác ở cấp độ chiến thuật trong lĩnh vực này.

Thành phần tham gia bao gồm tổng cộng 5 tàu chiến: Tàu khu trục Akebono thuộc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản, tuần dương hạm USS Mobile Bay (CG-53) của hải quân Mỹ, tàu khu trục Warramunga và máy bay tuần tra của quân đội Australia, tàu Đô đốc hải quân Gregorio Del Pilar và tàu BRP Ramon Alcaraz của Philippines.

Đây là lần đầu tiên 4 nước tổ chức một cuộc tập trận chung chính thức ở Biển Đông. Tháng 8/2023, các nước này đã tổ chức huấn luyện trên biển ngoài khơi tỉnh Zambales ở phía Bắc Philippines, nhưng nội dung chỉ là tiếp tế trên biển, chụp ảnh tập thể và thuyền viên chào nhau. Cho đến nay, việc tàu chiến của 4 nước được điều động một cách rầm rộ và những tín hiệu họ gửi đi đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trên khắp thế giới.

Tuần dương hạm USS Mobile Bay (CG-53) của Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận.

Tuần dương hạm USS Mobile Bay (CG-53) của Hải quân Mỹ tham gia cuộc tập trận.

Các nguồn tin từ phía Nhật Bản cho thấy Mỹ, Nhật và Australia muốn thể hiện tình đoàn kết với Philippines và bản thân nước này thì đang muốn thể chế hóa các cuộc tập trận với Mỹ, Nhật Bản, Australia - mỗi năm tập trận một vài lần theo các quy mô khác nhau. Các quan chức Bộ Quốc phòng Philippines cho biết đây là bước đầu tiên trong một loạt hoạt động nhằm nâng cao khả năng phòng vệ cá nhân và tập thể của nước này.

Như đã nói, ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Marcos Jr. tại Washington. Hội nghị đã thảo luận các vấn đề như thúc đẩy hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực như chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch, cũng như tăng cường hợp tác an ninh trên biển giữa 3 nước. Vấn đề Biển Đông cũng được đưa vào chương trình nghị sự. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Campbell cho biết hội nghị thượng đỉnh này sẽ thúc đẩy 3 nước tăng cường hợp tác ở Biển Đông và các khu vực khác.

Từ các cuộc tập trận chung 4 nước, hội nghị thượng đỉnh 3 nước và tuần tra chung 3 nước, không khó để nhận ra rằng Philippines hiện diện rất nhiều trong “vòng tròn nhỏ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” mới do Mỹ lập nên. Một số nhà bình luận cho rằng Philippines đã trở thành “đồng minh mới nổi” của Mỹ và là “lô cốt đầu cầu” của Mỹ ở khu vực.

Theo các nhà quan sát, kể từ khi ông Marcos Jr. nắm quyền, Chính phủ Philippines dần mất cân bằng trong ngoại giao và chuyển hướng sang Mỹ - điều này được cho là do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử và hiện thực. Còn theo quan điểm của Mỹ, việc nước này gần đây tập trung vào Philippines chủ yếu là kết quả của những điều chỉnh chiến lược và chiến thuật.

Sau khi lên nắm quyền, về mặt chiến lược, Tổng thống Joe Biden đã xây dựng một loạt “vòng tròn nhỏ” (như Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; Mỹ - Anh - Australia và Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia), đóng vai trò tương tự như các liên minh quân sự, nhằm mục đích ràng buộc các đồng minh vào “cỗ chiến xa” của Mỹ và cung cấp sự hỗ trợ cho chiến lược cạnh tranh nước lớn của nước này. Philippines là chủ đề của nước Mỹ, thông qua vấn đề Biển Đông với hy vọng nước này sẽ trở thành đồng minh thật thiết và là nền tảng cho chiến lược này.

Về mặt chiến thuật, Mỹ đã đề xuất “Kế hoạch răn đe Thái Bình Dương” từ năm 2020, với hy vọng triển khai các hệ thống tên lửa có khả năng tấn công kiêm phòng thủ ở Alaska, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Philippines. Philippines là một mắt xích trong chuỗi hoàn chỉnh này. Trong cuộc tập trận Balikatan giữa Mỹ và Philippines vào năm 2023, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa Patriot và HIMARS ở phía Nam đảo Luzon, Philippines. Từ góc độ tầm xa, cả hai loại tên lửa này đều có thể gây ra mối đe dọa nhất định đối với máy bay hoạt động trên không phận phía Bắc Biển Đông.

Huy Thông

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/my-dan-dau-4-nuoc-tap-tran-o-bien-dong-i728921/