Muốn trở thành kỹ sư thi công công trình ngầm đô thị cần kỹ năng gì?

Trong ba năm học qua, điểm chuẩn của ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có xu hướng tăng khoảng 2-3 điểm

Hiện nay, tại các đô thị, thành phố lớn, nhu cầu về xây dựng các công trình ngầm như hầm nhà cao tầng, hầm thoát nước thải, hầm Metro... là rất lớn. Để có nhân lực trình độ cao thi công những công trình nêu trên đòi hỏi phải có những kỹ sư có trình độ chuyên môn.

Hiện nay, có một số cơ sở giáo dục đại học ngành này. Trong đó, ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị đang được Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đào tạo. Ngành Xây dựng công trình ngầm thành phố và Hệ thống tàu điện ngầm được Trường Đại học Mỏ Địa chất đào tạo.

Để tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo cũng như cơ hội việc làm với ngành học trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trung Thành (Trưởng khoa Xây dựng, Trường Đại học Mỏ Địa chất) và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh (Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật - Công trình ngầm, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).

Chia sẻ về chương trình đào tạo ngành và cơ hội việc làm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trung Thành cho biết, ngành Xây dựng công trình ngầm thành phố và Hệ thống tàu điện ngầm được nhà trường đào tạo cách đây 3 năm. Trước khi mở ngành, nhà trường có Bộ môn xây dựng công trình ngầm và mỏ của Khoa Xây dựng có thế mạnh trong đào tạo về lĩnh vực này.

Về điểm khác giữa ngành Xây dựng công trình ngầm nói chung với ngành Xây dựng công trình ngầm thành phố và hệ thống tàu điện ngầm nói riêng, thầy Thành cho hay, ngành Kỹ thuật xây dựng công trình ngầm được đào tạo để xây dựng các công trình ngầm đường bộ như đèo Hải Vân, hầm xuyên núi... Công nghệ phục vụ cho công trình ngầm đường bộ chủ yếu là khoan nổ mìn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Trung Thành. Ảnh: NVCC

"Công nghệ thi công công trình ngầm đường bộ giống 90% so với công nghệ thi công trong các hầm mỏ vì sử dụng phương pháp khoan nổ mìn. Còn đối với công trình ngầm đô thị và tàu điện ngầm, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... nó khác công nghệ so với đường bộ", thầy Thành chia sẻ.

Nói về điểm khác trong công nghệ thi công ngầm thành phố, thầy Thành cho hay, đối với công trình ngầm trong thành phố như Hà Nội là nơi có dân cư đông, nền đất yếu... nên không thể khoan nổ mìn. Vì vậy, phải dùng công nghệ, giải pháp thiết kế thi công riêng cho thành phố.

Đối với sinh viên học ngành học trên, khi ra trường, các em có thể tự thiết kế và đưa ra giải pháp thi công. Môi trường làm việc của kỹ sư ngành học trên sẽ phải gắn liền với công trường, thi công, giám sát.

Mức lương của tân kỹ sư dựa trên khảo sát là hơn 10 triệu đồng/tháng.

"Chúng tôi khi thiết kế chương trình đào tạo ngành học trên cũng mở rộng chương trình đào tạo, giả dụ đào tạo về xây dựng công trình ngầm nhưng cũng có kỹ năng về tính toán, kết cấu để sinh viên dễ tiếp cận công việc bên ngoài.

Thí sinh lựa chọn ngành học sẽ phải có sự tỉ mỉ, chăm chỉ khi thiết kế công trình", thầy Thành nói.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh (Trưởng Bộ môn Địa kỹ thuật - Công trình ngầm, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho hay, sinh viên ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị được trang bị không những các học phần chuyên về công trình ngầm, mà còn có các học phần về xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp nói chung.

Các kiến thức chuyên sâu về địa kỹ thuật giúp sinh viên làm được các đồ án về công trình ngầm, và thiết kế, thi công nền móng các công trình nói chung kể cả nhà cao tầng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khoa Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Trước câu hỏi của phóng viên về việc, sinh viên khi tốt nghiệp liệu có cơ hội việc làm ở quê hay không, thầy Thanh trả lời: "Cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là rất rộng lớn. Không chỉ ở đô thị, các em có thể phát huy tốt các kiến thức đã học để xây dựng các loại công trình ở khắp mọi miền đất nước, thậm chí các em có thể học tiếp hoặc làm việc ở nước ngoài".

Theo thầy Thanh, sinh viên sau tốt nghiệp của Khoa là các tân kỹ sư sẽ có mức lương khởi điểm là 8 – 15 triệu/ tháng.

"Thực tế sinh viên Khoa Xây dựng sau khi tốt nghiệp là có việc làm ngay. Theo khảo sát hàng năm khi tân kỹ sư về nhận bằng đều có kết quả là trên 90% kỹ sư có việc làm trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đưa ra con số 50% để chắc chắn giới thiệu được các đơn vị tuyển dụng uy tín tới 50% số sinh viên, số còn lại là sinh viên tự tìm việc", thầy Thanh nói.

Chia sẻ về chương trình đào tạo, thầy Nguyễn Ngọc Thanh Thanh cho biết, từ năm 2020, chương trình đào tạo của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO (CDIO là viết tắt 4 chữ cái đầu của Conceive – Design – Implement – Operate, có khởi nguồn từ Viện công nghệ MIT của Mỹ, được hiểu là hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện, và vận hành).

Với đặc thù của các chuyên ngành kỹ thuật, trong quá trình đào tạo sinh viên được thực hiện các đồ án chuyên ngành, đủ các học phần: nền móng, kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, kỹ thuật thi công, quản lý thi công, tiến độ thi công,… Qua các đồ án, các em hiểu rất rõ công việc của mình có thể làm sau khi tốt nghiệp. Khi đi thực tập tốt nghiệp, hầu hết sinh viên đã chọn được định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, cũng như các ngành khác của Khoa, sinh viên sẽ được tham gia nghiên cứu khoa học. Hằng năm, các nhóm sinh viên Xây dựng công trình ngầm đô thị đều đạt kết quả cao trong phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên, có nhiều năm đạt giải Nhất, Nhì.

Nhiều cơ hội học bổng cho sinh viên

Từ năm học thứ 3 trở đi, sinh viên tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội được thực tập trong các công ty tư vấn, văn phòng và được học tiếng Nhật miễn phí đối với những bạn có định hướng làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ thêm về nội dung trên, thầy Nguyễn Ngọc Thanh cho hay, từ năm học thứ 3, sinh viên khi làm các đồ án chuyên ngành đã có kiến thức để tham gia một số công việc trong các văn phòng, công ty tư vấn.

Nhiều sinh viên có học lực khá, giỏi được các giảng viên cho tham gia các công việc thực tế mà họ cũng đang làm.

"Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều công ty của Nhật Bản có hợp tác với Khoa để tuyển dụng tân kỹ sư. Về kiến thức chuyên môn, các công ty của Nhật đánh giá cao chương trình đào tạo của Khoa.

Tuy nhiên để có thể sang Nhật Bản làm việc, sinh viên cần trang bị tiếng Nhật nên nhiều công ty sẵn sàng cho sinh viên học miễn phí tiếng Nhật nếu sinh viên có định hướng làm việc tại Nhật Bản sau khi tốt nghiệp", thầy Thanh cho hay.

Trong ba năm học qua, điểm chuẩn của ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị có xu hướng tăng khoảng 2-3 điểm. Trước câu hỏi về việc liệu năm nay, ngành học này vẫn sẽ "hot" hay không, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thanh nhận định, năm nay ngành học trên có thể vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn.

Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Thế Huy (cựu sinh viên ngành Xây dựng công trình ngầm và mỏ, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Mỏ Địa chất) cho hay, sau khi ra trường anh làm khai thác hầm mỏ tại một công ty ở Quảng Ninh trong khoảng bốn năm.

Nhận định về môi trường làm việc giữa khai thác hầm mỏ và xây dựng công trình ngầm đô thị, anh Huy nhận định tính chất công việc tương đối giống nhau về kết cấu thi công. Điểm khác là khai thác hầm mỏ dùng khoan nổ mìn, còn xây dựng công trình ngầm đô thị là dùng máy đào.

"Như công việc của tôi từng làm ở hầm mỏ có độ sâu so với mực nước biển khoảng 1-2km, trong hầm mỏ sẽ có quạt để lưu thông không khí.

Còn đối với xây dựng công trình ngầm đô thị, thường sẽ có độ sâu ngắn hơn. Ví dụ như một khu đô thị lớn ở thành phố Hà Nội có 3 tầng hầm ngầm với tổng chiều cao khoảng 12m", anh Huy chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-tro-thanh-ky-su-thi-cong-cong-trinh-ngam-do-thi-can-ky-nang-gi-post242540.gd