Muốn con tiến bộ, cha mẹ cần đóng vai người đồng hành
Nếu chỉ áp dụng các hình phạt một cách cứng nhắc, trẻ nhỏ sẽ thấy áp lực. Cha mẹ nên đóng vai một người bạn, đồng hành cùng con, giúp bé vượt qua thử thách để tiến bộ hơn.
Mục đích của mọi hình phạt thường là để bạn có thể giúp con học tập và đạt được mục tiêu đã đề ra như: Vượt qua kỳ thi, học được kiến thức mới, hình thành thói quen tốt, hay đơn giản là hoàn thành công việc bố mẹ giao.
Hãy tưởng tượng mình là một bác sĩ tim mạch và trong một lần khám sức khỏe định kỳ, bạn phát hiện ra rằng người bạn thân nhất của mình mắc bệnh tim. Nếu cô ấy không bắt đầu tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống, cô ấy sẽ bị đau tim, gặp phải những hậu quả tiêu cực cho sức khỏe.
Bạn sẽ làm gì trong tình huống này? Bạn có đợi cơn đau tim xảy ra rồi mới quở trách về cách cô ấy ăn uống và lười tập thể dục không, hay bạn sẽ nói chuyện với cô ấy, giúp cô ấy giảm vài kilôgam và ăn uống lành mạnh hơn? Nếu là một người bạn tốt, chắc chắn bạn sẽ không phải đắn đo về điều đó. Bạn sẽ làm bất cứ điều gì để giúp người bạn của mình vượt qua bệnh tật.
Với động lực mạnh mẽ hơn mà bất kỳ người mẹ hay người cha tốt nào cũng có, họ không nên chờ đến lúc con thất bại; họ nên giúp con đạt được mục tiêu và cảm thấy thoải mái. Nếu bạn biết rằng con trai Sandy của bạn có xu hướng cắn em gái khi bé bực bội, đừng đợi điều đó xảy ra. Hãy giúp Sandy không cắn em. Hãy ngồi gần Sandy và khi bạn thấy bé bắt đầu trở nên cáu kỉnh, hãy giúp bé kiểm soát bản thân.
Nếu Steven không đến khi bố gọi, bố có thể ngồi đó gọi bé thêm vài lần nữa, việc này sẽ khiến bố thấy bực mình; hoặc bố có thể chọn cách đi đến chỗ Steven, nhẹ nhàng nắm lấy tay và dẫn bé tới nơi mà bố muốn bé tới. Với phương pháp đầu tiên, đảm bảo hai bên sẽ khó chịu với nhau.
Tuy nhiên, chỉ với một chút giúp đỡ, cả hai cha con đều sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và đạt được mục tiêu của mình: Người bố sẽ kiểm soát được tình hình và Steven sẽ đến nơi mà bố yêu cầu. Tương tự như vậy, nếu Rosie ăn chậm, chúng ta có thể chọn cách nổi giận, hoặc giúp bé ăn xong sớm hơn bằng cách cắt thịt thành từng miếng nhỏ hơn, giúp bé dễ ăn hơn, hoặc thậm chí có thể cho phép bé bỏ thừa một ít thức ăn nếu bé đã cố gắng ăn gần hết.
Một lợi ích khác của việc giúp trẻ không mắc sai lầm là nó giúp ích cho cái gọi là “học tập không mắc lỗi”. Kỹ thuật này được thiết kế để hỗ trợ những người có vấn đề về trí nhớ học tập, dựa trên tiền đề sau: Bất kỳ ai cũng có thể học nhanh hơn nếu họ làm đúng ngay lần đầu tiên. Nếu bạn giúp con mình làm tốt mọi việc trong những tình huống mà trẻ thường thất bại, bạn đang giúp con học nhanh hơn.
Nguồn Znews: https://znews.vn/muon-con-tien-bo-cha-me-can-dong-vai-nguoi-dong-hanh-post1530128.html