Mức thu phí ra sao trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo từ ngày 28/5?

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chạy qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chính thức thu phí từ 0h ngày 28/5 tới, mức thu cao nhất là 497.000 đồng.

Ngày 23/5, Công ty Cổ phần cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo (nhà đầu tư dự án) cho biết, từ 0h ngày 28/5 tới, công ty này sẽ tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Theo đó, trên tuyến cao tốc này bố trí 4 trạm thu phí gồm: 1 Trạm Thu phí Du Long (Nút giao Du Long Km70+194), 2 Trạm Thu phí Phan Rang (Nút giao Phan Rang Km92+815) và 1 Trạm thu phí trên tuyến chính (Km133+770) và chia làm 5 nhóm phương tiện.

Cụ thể, nhóm 1 gồm xe dưới 12 chỗ, xe tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng có mức phí 130.000 đồng. Nhóm 2 gồm xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn mức phí 170.000 đồng. Nhóm 3 mức phí 222.000 đồng, với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn. Nhóm 4 mức phí 353.000 đồng, với xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit và nhóm 5 gồm xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit mức phí 497.000 đồng.

Hầm núi vung cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Đắc Phú

Hầm núi vung cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: Đắc Phú

Ngoài ra, xe đi trên cao tốc các chặng ngắn được tính ở mức thấp hơn. Chủ đầu tư tính toán mỗi km trên tuyến có đơn giá 1.669 đồng. Xe tùy theo số ghế ngồi, trọng tải được chia thành các nhóm, sau đó quy ra hệ số để nhân với đơn giá tính trên km.

Trước đó, từ 7 giờ ngày 26-4-2024 đến 12 giờ ngày 23-5-2024, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đưa vào vận hành không thu phí, phục vụ miễn phí hơn 280.000 lượt xe lưu thông trên tuyến.

Đoạn cao tốc này có 4 trạm thu phí, gồm: 1 trạm thu phí Du Long (nút giao Du Long Km70+194), 2 trạm thu phí Phan Rang (nút giao Phan Rang Km92+815) và 1 trạm thu phí trên tuyến chính (Km133+770).

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức đối tác công ty (PPP) do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty xây dựng Đèo Cả và Tổng công ty đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 8.900 tỷ đồng.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong 3 dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194.

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: V.Q

Phương tiện lưu thông trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: V.Q

Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm phải, lưu thông 2 chiều. Đây là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành đồng bộ 70km đường, 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS… được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nối thông cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Nguyễn Đắc Phú

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/muc-thu-phi-ra-sao-tren-cao-toc-cam-lam-vinh-hao-tu-ngay-28-5-a665252.html