Mua sắm phải có 3 báo giá, bệnh viện gần như không thực hiện được

Trước thực trạng máy móc hư hỏng không sửa chữa, khó khăn trong đấu thầu và việc mượn máy, đặt máy vẫn chưa cho phép nguy cơ bệnh viện phải đóng cửa, lãnh đạo kiến nghị nhiều phương án tháo gỡ.

Máy CT Chợ Rẫy trong tình trạng hư hỏng chỉ còn 2 máy, bệnh viện phải chuyển bệnh sang viện khác chụp chiếu. Ảnh: CTV

Máy CT Chợ Rẫy trong tình trạng hư hỏng chỉ còn 2 máy, bệnh viện phải chuyển bệnh sang viện khác chụp chiếu. Ảnh: CTV

Ngày 25/2, đoàn công tác của Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng các đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2023). Tham gia cùng đoàn có Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận.

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy bày tỏ Đảng ủy, Ban giám đốc và gần 4.500 nhân viên y tế bệnh viện rất vinh dự khi đón tiếp đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và chúc mừng.

Bên cạnh báo cáo tình hình hoạt động, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV chia sẻ thêm về những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện trong thời gian qua. Đặc biệt là những tắc nghẽn xoay quanh công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao cũng như việc triển khai hình thức máy đặt, máy mượn…

Theo bác sĩ Thức, hiện việc xây dựng giá gói thầu hiện dựa trên Thông tư 68 của Bộ Tài chính, thông tư này vướng ở chỗ việc mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao chủ yếu vẫn là 3 bảng báo giá. Trong quá trình triển khai, việc có được 3 bảng báo giá gần như không thực hiện được.

Dù là Bệnh viện Bạch Mai hay Chợ Rẫy, khi mở gói thầu lớn, những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ dao động 30-40%. Với sản phẩm không có đủ 3 báo giá, Thông tư 68 cũng đưa ra nhiều giải pháp như thẩm định giá, giá kê khai…

Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu rất kỹ và khẳng định các biện pháp đó rất khó triển khai trong thực tế.

Giám đốc Chợ Rẫy kiến nghị với đoàn công tác Trung ương và Bộ Y tế về nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho công tác đấu thầu, mượn máy, đặt máy.

Giám đốc Chợ Rẫy kiến nghị với đoàn công tác Trung ương và Bộ Y tế về nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho công tác đấu thầu, mượn máy, đặt máy.

Cụ thể, bác sĩ Thức lấy ví dụ mua máy CT scan thì trên cổng thông tin chỉ có 1 đơn vị kê khai giá. Song, mỗi bệnh viện, mỗi tuyến lại cần loại máy khác nhau. Như bệnh viện tuyến tỉnh mua máy Ct 64 lát cắt, nhưng BV Chợ Rẫy hay Việt Đức phải mua loại 258 hay 512 lát cắt. Và giá mỗi loại khác nhau. Rồi kể cả máy siêu âm cũng rất nhiều loại với nhiều chức năng khác nhau. Vì vậy, không thể áp chung chung mà xây dựng giá. Bác sĩ Thức cũng lo ngại việc thanh tra sau này vào cuộc sẽ hỏi: “Sao chỗ này mua máy 10 đồng mà BV Chợ rẫy xây dựng giá 15 đồng”.

Thực tế hiện nay cũng không có cơ quan nào kiểm định giá kê khai cho đúng. Giá thì do các đơn vị tự kê khai công khai theo ý mình, song vẫn xảy ra tình trạng giá cao hơn rất nhiều với thực tế.

Bác sĩ Thức chia sẻ thêm: “Khi xây dựng giá gói thầu, bệnh viện gặp rất nhiều rủi ro trong công tác mua sắm đấu thầu. Đây là khó khăn của cả ngành chứ không phải riêng Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Hiện tại, BV Chợ Rẫy vẫn vướng không đủ 3 báo giá với gói thầu stent mạch vành nên chưa triển khai. Vì vậy tương lai sẽ giống như Việt Đức, chỉ có thể đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, trường hợp khác sẽ phải chờ.

Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đến thăm, chúc mừng các đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023).

Đoàn công tác của Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đến thăm, chúc mừng các đơn vị y tế trên địa bàn TP.HCM nhân Kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023).

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức mong mỏi cơ chế cho phép các bệnh viện nói chung chứ không phải riêng Chợ Rẫy được sử dụng hình thức máy đặt, máy mượn. Và nếu như mua những hệ thống đó rất đắt tiền, giá trên 10 tỷ. Giả sử bệnh viện có mua thì cũng phải sử dụng hóa chất nó. Đa số những hóa chất đó đóng, hóa chất đi theo máy, kể cả dung dịch cái máy cũng phải phù hợp.

Hình thức này cả thế giới đều vậy không riêng gì Việt Nam. Nếu mượn máy của hãng nếu hư hỏng 15 phút là kỹ sư họ đến sửa ngay, còn mình mua thì kỹ sư mình không đủ khả năng sửa dẫn đến tình trạng đắp chiếu. Chưa hết vấn đề nghiên cứu khoa học cũng rất quan trọng, nếu không có máy móc hiện đại không thể nào giúp đội ngũ nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người dân.

Tại cuộc gặp gỡ, bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị Bộ Y tế có thể tham mưu, xem xét cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn thương hiệu để mua sắm. Riêng hình thức máy đặt máy mượn, máy xét nghiệm do liên quan đến hóa chất đóng (đi theo máy) thì có thể giao cho trung tâm đấu thầu quốc gia quản lý giá hóa chất và bệnh viện sẽ sử dụng giá theo khung này.

Với tình trạng máy móc hư hỏng, chờ đấu thầu, 4.000 lượt bệnh nhân mỗi ngày phải chuyển sang một bệnh viện chuyên khoa Ngoại thần kinh tại quận Tân Phú thực hiện chụp chiếu. Các nhân viên y tế bệnh viện phải làm việc hết công sức nhưng chỉ tiếp nhận được khoảng 2.000 lượt/ngày. Trước đó, vào tháng 2/2022 bệnh viện cũng chỉ còn 2 máy xạ trị gia tốc nên lượng bệnh nhân ung thư giảm còn 2/3 và hiện 100 ca mòn mỏi chờ xạ trị./.

Phan Nhơn/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mua-sam-phai-co-3-bao-gia-benh-vien-gan-nhu-khong-thuc-hien-duoc-post1004468.vov