Mùa gặt trong kí ức
BHG - Buổi sáng thức giấc, nhìn ra phía cửa sổ thấy màu nắng vàng ngập tràn khắp lối. Tôi nhận ra mùa Hạ đã về tự khi nào. Thốt nhiên, khi đó kí ức của tôi lại neo về những ngày xưa cũ. Những mùa gặt rộn ràng tiếng nói cười của người dân quê hồn hậu. Những giọt mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt sạm đen. Khắp nẻo đường quê ngập tràn, thơm hương rơm rạ…
Lại nhớ một vài lời nói của đám bạn ở phố, rằng có lẽ tôi đã quên lãng đi quê nhà, những mùa gặt hái. Tôi mỉm cười, làm sao mà có thể dễ dàng quên nhanh được vậy chứ, gần hai mươi năm ở quê là từng ấy mùa gặt tôi đã trải qua với bao nhiêu gian khó, niềm vui cũng như hạnh phúc. Thi thoảng giấc mơ về chốn cũ, quê nhà, những mùa gặt đều đặn mỗi lần xuất hiện dăm ba lần trong đầu tôi. Hình ảnh mùa Hạ nắng chói chang, từ những ngày hôm trước, mẹ đi thăm đồng về và nói rằng ít ngày nữa lúa sẽ chín và mùa gặt sẽ bắt đầu. Cha giúp mẹ xuống chợ huyện cắt lại chấu liềm cho sắc, đốn tre chẻ lạt bó lúa, rồi tất bật khắp làng trên xóm dưới để mượn xe bò cho những ngày gặt lúa. Còn mẹ thì chuẩn bị quang gióng, đòn gánh, thêm túi chanh tươi và cân đường trắng để pha nước uống.
Mùa gặt trong kí ức của tôi là những ngày rất bận rộn. Buổi sáng mẹ thức dậy từ rất sớm, chái bếp nhỏ xíu đã bập bùng ánh lửa của mẹ chuẩn bị cơm sáng cho cả nhà. Cả nhà làm quần quật từ sáng tới tối mịt vẫn chưa xong việc. Bữa cơm trọn vẹn đầy đủ dinh dưỡng dường như là không thể. Bởi vì ai cũng muốn chạy đua với thời gian, với máy tuốt, với những đợt nắng phơi cho khô lúa đổ bồ. Những ngày chính vụ, từ sáng sớm, dọc các con đường đã thấy nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng giục nhau, tiếng xe bò rầm rập. Ra tới đồng càng thấy hơn “không khí” của mùa gặt. Người lớn, trẻ con tụ họp từng vuông ruộng nhà mình, giữa cái màu vàng óng ả của lúa chín và nắng hạ chói chang. Thường thì phụ nữ sẽ đảm nhiệm gặt chính, đàn ông gom từng gồi lúa lại và bó thành từng bó lớn cho lên xe bò hoặc tự gánh về nhà. Trẻ con chúng tôi có nhiệm vụ đưa nước cho người lớn. Xong việc, rảnh rỗi lại lội khắp ruộng để mót lúa rơi, bắt muồm muỗm, châu chấu. Cứ mỗi mùa gặt mẹ tôi “giao phó” cho hai anh em tôi mỗi đứa một đôi gà để chăm sóc bằng lúa mót và châu chấu, đợi đến năm học mới bán mua sách vở.
Mùa Hạ đôi lúc cũng ẩm ương, không phải lúc nào trời cũng đổ nắng mà có khi lại có những cơn mưa bất chợt. Thế nên, đi gặt trúng cơn mưa cũng không có gì lạ. Nhìn mồ hôi của người dân ướt sũng hòa quyện vào mưa lúc này mới thấy người nông dân khổ bao nhiêu. Chưa kể lúa dính mưa, việc gặt hái hay vận chuyển cũng trở nên khó khăn hơn. Đôi lần trí nhớ chơi vơi, tôi đã cố quên những hình ảnh vất vả năm xưa nhưng rồi bất giác những thước phim đó lại quay lại trong đầu. Lúc này tôi thấy mình hòa cùng với cơn mưa mùa Hạ, tay ôm những gồi lúa, cùng cha mẹ tất bật gánh gồng về nhà. Những hạt mưa vô tình làm cho mắt tôi cay xè, mặn chát… Và hiện thực thì tôi cũng đang rưng rức nỗi niềm trong lòng.
Quê tôi lên thị xã, một phần đất nông nghiệp được chuyển đổi để nhường chỗ cho xí nghiệp, nhà máy, phần còn lại người dân chuyển sang trồng hoa màu vì trồng lúa cơ cực nhưng chẳng được bao nhiêu. Cánh đồng năm xưa giờ thưa thớt vài hộ trồng lúa. Mỗi lần về lại ngang nhà, qua cánh đồng năm xưa tôi lại nhớ biết nhường nào. Lại thêm những hoài niệm ùa về. Mùa gặt trong kí ức của tôi là những năm tháng bình yên với những kỷ niệm dấu yêu ngọt ngào. Tôi đã đi lên từ gian khổ, băng qua bao mùa gặt để trưởng thành…
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202305/mua-gat-trong-ki-uc-7461091/