Múa đương đại 'đối diện' với nghệ thuật tuồng
Cuối tuần qua, vở múa đương đại 'Đối diện với vô cùng' đã có ba đêm diễn ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội. Vở diễn cho thấy những bước đi sáng tạo cùng cách xử lý mới mẻ yếu tố vũ đạo và âm nhạc, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để khán giả dễ dàng tiếp cận hơn với nghệ thuật tuồng.
Hàn gắn những đứt gãy văn hóa
“Đối diện với vô cùng” là dự án hợp tác giữa nền tảng văn hóa và nghệ thuật Lên Ngàn, Nhà hát Tuồng Việt Nam, XplusxStudio cùng biên đạo múa Tú Hoàng. Dự án nằm trong chương trình phát triển khán giả trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam với chuỗi sự kiện hướng công chúng vượt ra ngoài giới hạn nghệ thuật quen thuộc và tiếp cận với di sản sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo hơn.
Theo ê kíp dựng vở, bối cảnh của vở diễn là thời điểm hậu mở cửa từ năm 1986 tới những năm 2000, nơi mà tính cá nhân được giải phóng, nhưng đồng thời sự cô đơn cũng mở ra trong xã hội. Trong vở diễn, nhân vật chính “cái tôi” trải qua sự do dự, bất lực, đau đớn; đối diện với cả cái có và không, cả ký ức và những gì chưa đến để cuối cùng chọn đối diện, tìm ra giá trị mới cho sự tồn tại.
Nhân vật chính gặp gỡ 4 vị thần phương Đông - Tây - Nam - Bắc để khám phá chính mình và cõi thiêng. Mỗi phương hướng đại diện cho những trạng thái khác nhau: Niềm hân hoan sống, hạnh phúc, khổ đau, sự cô đơn, trạng thái bơ vơ, niềm tin và hy vọng vào tương lai bất định. Các nhân vật đối diện với nhau và đối diện với bản thân mình trong mối tương quan với xã hội đương đại đa tầng biến động.
Tác phẩm với chất liệu cổ truyền đan xen với các yếu tố đại chúng, bóc tách những cảnh tượng, lễ nghi, thói quen và quy tắc không chỉ về lịch sử và di sản, mà còn về chính bản thân mỗi người. Trong suốt vở diễn, trên nền ánh sáng ma mị; tiếng trống tế, đàn tranh, đàn bầu và âm nhạc điện tử tạo nên không khí vừa căng thẳng vừa hùng tráng và huyền bí. Nổi lên trên khung cảnh đó là những vũ điệu đương đại, hòa trộn những động tác đặc trưng của nghệ thuật tuồng. Vở diễn không có nội dung nhất định mà thông qua những khơi gợi mang tính ẩn dụ, mỗi người có những cảm nhận và diễn giải riêng để mang tới những nhận thức mang tính cá nhân.
“Tác phẩm mới này kết hợp những bản nhạc gốc của âm nhạc truyền thống Việt với các sáng tác mới lấy cảm hứng từ âm nhạc của nghệ thuật tuồng; các yếu tố âm thanh của nhạc tôn giáo, âm nhạc thể nghiệm và đặc biệt là chất liệu âm nhạc của giới trẻ Vinahouse” - nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, giám đốc nghệ thuật của vở diễn cho hay.
Tuy nhiên, vẫn theo Nguyễn Quốc Hoàng Anh, khi hình thành dự án “Đối diện với vô cùng”, ê kíp không nghĩ đến việc sáng tạo ra một thứ gì đó mới mẻ, vĩ đại mà chỉ đơn giản là tiếp tục công việc của các thế hệ trước, với mong muốn làm cho di sản trở nên hay hơn đối với chính mình, họ muốn được nhìn thấy bộ mặt mới của di sản trên sân khấu, để tự hào vì nó.
“Nếu để ý, có thể thấy trong đờn ca tài tử, ông cha ta đã Việt Nam hóa việc sử dụng nhạc cụ, lấy violon chơi như nhị, hay cải biến ghi ta thành phím lõm để nhấn rung. Các cụ không quan trọng nhạc cụ gì, chất liệu gì mà quan trọng là chơi theo cách riêng của mình. Tinh thần Việt rất mạnh mẽ này, các thế hệ sau không còn giữ được, đó là sự đứt gãy văn hóa. Công việc của chúng tôi khi thực hiện dự án “Đối diện với vô cùng” chỉ đơn giản là việc tiếp nối các thế hệ trước, với kỳ vọng hàn gắn những sự đứt gãy đó”.
Chia sẻ lý do vì sao chọn tuồng để xây dựng vở diễn, Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho hay, tuồng là loại hình nghệ thuật truyền thống gắn với yếu tố cung đình, đề cao tính bác học, hàn lâm và mang tính phi vùng miền. Tuồng, hát bội hiện diện từ Bắc vào Nam, tuy có đôi chút khác nhau ở từng địa phương nhưng nhìn chung cách diễn xướng tương đối xuyên suốt, có tính hệ thống hóa, lòng bản hóa. Trong khi đó, các loại hình diễn xướng khác như chèo, quan họ chỉ xuất hiện ở vùng đất hẹp hơn.
“Chúng tôi chọn tuồng vì nó có tính tiếp biến về văn hóa. Trong vở diễn này, múa và các động tác hình thể lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng là hình thức nghệ thuật chính. Dấu ấn rõ nhất của nghệ thuật tuồng là những bộ long trảo, là đi xuyến, là vũ đạo xiên xỏ chỉ... Tất cả đã được biên đạo Tú Hoàng phát triển từ nghệ thuật tuồng truyền thống” - nhạc sĩ Hoàng Anh nói.
Trả nghệ thuật lại cho đời sống
Trước đây, Lên Ngàn từng ra mắt một số vở diễn lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng, chẳng hạn như “Sơn Hậu - Beyond The Mountain” (2021), “Cõi thinh không” (2023). Lần này, vẫn lấy cảm hứng từ tuồng, kết hợp thêm với chất liệu hiện đại nhưng ở “Đối diện với vô cùng”, các nghệ sĩ hoàn toàn thực hiện các động tác vũ đạo trên nền nhạc, không có diễn tuồng hay thoại tuồng.
“Đối với hai vở trước, Lên Ngàn chủ yếu khai thác không gian và âm nhạc của nghệ thuật tuồng, còn đến “Đối diện với vô cùng” chúng tôi đặt nặng vấn đề tư tưởng và vũ đạo. Làm sao để sự chuyển động lột tả được tư tưởng của tác phẩm, đó là điều quan trọng nhất với ê kíp” - nhạc sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh bộc bạch.
Trong quá trình dựng vở, các nghệ sĩ đã có những cuộc điền dã, tìm hiểu cuộc sống bản địa và trao đổi về nghệ thuật truyền thống cùng các nghệ nhân tại làng Phú Mẫn (Yên Phong, Bắc Ninh) - nơi có lối diễn tuồng đồ nức tiếng cả nước. Thật bất ngờ, sau khi tiếp xúc với những nghệ sĩ là nông dân, là người giúp việc, người buôn bán nhỏ… dù họ không mấy khi có cơ hội được diễn trên sân khấu, nhưng cả nhóm bỗng nhận ra, tất cả những gì mình làm trước đây “không phải là nghệ thuật”.
Ê kíp đã học được từ các “nghệ sĩ làng” thế nào mới là tình yêu dành cho nghệ thuật; mới ngộ ra rằng, nghệ thuật không phải là những điều cao siêu, không phải là những thứ sang trọng như trong tháp ngà mà chính là những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Hay nói cách khác, nghệ thuật chính là những điểm tựa tinh thần cho những con người bình thường, giản dị.
“Chúng tôi học được rất nhiều, từ cách các cô chú ngồi làm việc với nhau, về âm nhạc của tuồng, về diễn xướng… Trước đây, chúng tôi nghĩ nghệ thuật là những điều thật là to tát, thật là giá trị nhưng thực ra nghệ thuật rất đời thường và chúng tôi thấy rằng, cần phải trả lại nghệ thuật cho đời sống. Chúng tôi mang những vũ đạo của người nghệ sĩ nông dân hay những người nhảy trên đường hoặc của các bạn trẻ lên sân khấu thực ra chi là sự phô diễn, bây giờ cần mang nó trở lại đời sống thực” - người nhạc sĩ trẻ nói.
Về ba đêm diễn vừa qua, Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết, mặc dù giá vé không hề rẻ, từ gần 500 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng nhưng toàn bộ số vé đều được bán hết từ khá sớm. Trong số hơn 1.100 vé bán ra, có khoảng 25% được mua bởi khách nước ngoài và điều khiến ê kíp bất ngờ hơn là độ tuổi của người mua vé từ 22 đến 35 chiếm khoảng 75%.
Hoàng Anh lý giải, trong vở diễn này, sự hấp dẫn với giới trẻ có lẽ ở con người, ở nội dung mang tính cá nhân, ở Vinahouse. Khi một thứ thuộc về văn hóa đại chúng, thuộc về giới trẻ như Vinahouse được đặt bên cạnh một thứ rất cổ kính, rất truyền thống là tuồng, ngay điều đó đã khơi gợi cho họ một sự tò mò, muốn đến để xem rồi. Ngoài ra, hình ảnh trong vở diễn đều theo tiêu chuẩn quốc tế, đẹp và hấp dẫn về mặt thị giác.
“Lên Ngàn khởi xướng dự án “Đối diện với vô cùng”, với niềm tin rằng văn hóa nghệ thuật là một quá trình liên tục tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ và chúng ta đều lấy cảm hứng từ những người đi trước. Rất mừng là điều này dường như đã được khán giả trẻ chấp nhận. Sau 3 đêm diễn, chúng tôi đã nhận về hơn 1 triệu lượt tương tác trên các nền tảng như Facebook, Instagram; hơn 300 tin nhắn và những lời chia sẻ, tâm sự về nhân vật “cái tôi”, về sự “chênh vênh” của tuổi trẻ, đối diện với sự cô đơn, sự khủng hoảng về cuộc sống. Vở diễn này là lời tự sự về cuộc sống và đã chia sẻ, đã chạm đến khán giả ở tinh thần thời đại nên được công chúng, đặc biệt là những người trẻ đón nhận. Có thể nói, ê kíp đã chọn đúng người, đúng thời điểm, khi nghệ thuật đang cần một món ăn tinh thần khác lạ và nhiều giá trị hơn” - nhạc sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-duong-dai-doi-dien-voi-nghe-thuat-tuong-post306801.html