Mùa đông tài trợ tác động như thế nào đến các startup giai đoạn hạt giống tại Đông Nam Á?

Các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn hạt giống, từng không bị ảnh hưởng nhiều từ mùa đông tài trợ, cũng đang đối mặt với khó khăn. Theo DealStreetAsia, quy mô giao dịch vòng đầu tiên đã giảm trong quý II nói riêng và nửa đầu năm 2023 nói chung…

Mùa đông tài trợ đã tác động như thế nào đến các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn hạt giống tại Đông Nam Á?

Mùa đông tài trợ đã tác động như thế nào đến các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn hạt giống tại Đông Nam Á?

Theo Nikkei Asia, chỉ có 52 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á nhận được tài trợ tại vòng hạt giống trong quý 2, đánh dấu mức giảm 29,7% theo tuần và giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. So với nửa đầu năm ngoái, trong năm 2023,nguồn vốn đầu tư ghi nhận mức giảm 43%, chỉ có 126 thỏa thuận hạt giống đạt mục tiêu. Giá trị tài trợ trung bình trong nửa đầu năm là 2,2 triệu USD, giảm so với mức 3 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Trong báo cáo Data Vantage, DealStreetAsia cho biết: “Xu hướng này làm dấy lên mối lo ngại vì nguồn tài trợ ban đầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty khởi nghiệp phát triển, trang trải các chi phí thiết yếu như phát triển sản phẩm, tuyển dụng nhân sự chủ chốt, tiếp thị và vận hành giai đoạn đầu”.

NHỮNG YẾU TỐ LÀM GIẢM TÀI TRỢ

Từ năm 2022, báo cáo của eConomy SEA của Google, Temasek và Bain & Company đã dự đoán các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ phải đối mặt với tình trạng lãi suất tăng và áp lực lạm phát cao hạn chế nhu cầu và chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm, áp dụng kỹ thuật số chậm lại trong năm 2023.

Còn theo Tech Collective, một số yếu tố khiến nguồn tài trợ của VC giảm trong năm 2023 bao gồm: Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ, Trung Quốc gây nên gián đoạn chuỗi cung ứng tạo ASEAN. Ngoài ra các cuộc chiến tranh lạnh tạo ra bất ổn trên thị trường, khiến các nhà đầu tư ưu tiên tài trợ cho các công ty khởi nghiệp ở những khu vực ổn định về mặt chính trị.

Thứ hai, lệnh phong tỏa kéo dài của Trung Quốc mang lại hy vọng rằng một khi nước này mở cửa trở lại, thương mại toàn cầu sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, quá trình mở cửa trở lại của Trung Quốc không diễn ra suôn sẻ khi quốc gia này đang gặp phải các vấn đề kinh tế buộc họ hạn chế hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp ở ASEAN.

Một yếu tố khác mà công ty dịch vụ chuyên nghiệp KPMG thông tin trong một báo cáo là các khoản đầu tư giai đoạn đầu sẽ bị ảnh hưởng vào năm 2023 khi các nhà đầu tư cố gắng giảm thiểu rủi ro danh mục đầu tư của họ. Do đó, họ sẽ tìm cách chuyển hướng nguồn vốn sang các lĩnh vực khác.

XU HƯỚNG ĐẦU TƯ HIỆN TẠI

Các startup môi trường trở thành tâm điểm đầu tư

Trên thực tế, hiện nay, xu hướng đầu tư là tài trợ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ xanh nhằm thúc đẩy những giải pháp bền vững, lành mạnh về bảo vệ môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh. Theo đó, Bain & Company báo cáo có nhiều cơ hội phát triển cho các công ty trong không gian chuyển đổi năng lượng tại khu vực.

Một lĩnh vực khác có tiềm năng tăng trưởng là thanh toán kỹ thuật số, lĩnh vực này sẽ tăng lên 92% tổng số thanh toán kinh tế trực tuyến vào năm 2026 và 426 triệu người sẽ sử dụng ví di động và các mô hình thanh toán như Mua ngay trả sau (BNPL). BNPL sẽ thúc đẩy lĩnh vực này và thu hút nhiều nguồn tài trợ hơn.

TÌNH HÌNH TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG TẠI CHÂU Á

Theo dữ liệu của DealStreetAsia, việc huy động vốn khởi nghiệp tại các thị trường trọng điểm khác của châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc cũng đều giảm trong quý II so với năm 2022.

Tại Ấn Độ, nguồn vốn huy động trong quỹ II/2023 đã giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, các công ty khởi nghiệp ở nước này chỉ huy động được 3,22 tỷ USD, trong khi năm 2022 huy động được 7,56 tỷ USD, theo dữ liệu từ India Deal. Ngoài ra, nguồn vốn mà các công ty khởi nghiệp Ấn Độ huy động được trong nửa đầu năm nay chỉ bằng một nửa so với nguồn vốn huy động được trong quý I/2022.

Trong khi đó, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc lại tương đối linh hoạt. Các công ty tư nhân ở nước này đã huy động được 10,9 tỷ USD trong quý 6, chỉ giảm 3,36% so với 11,28 tỷ USD một năm trước. Với tốc độ hiện tại, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp dường như đã sẵn sàng vượt mức năm 2022 chỉ ở Trung Quốc, mặc dù trong nửa đầu năm 2023, các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc đại lục đã huy động được 25,7 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ quý đầu tiên tăng trưởng mạnh. Thì đến quý 2, nguồn vốn giảm mạnh 25,3% so với quý 1 - một dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng trì trệ trong một thị trường gây quỹ đầy thách thức.

Riêng Indonesia, sau khi dẫn đầu vượt mặt Thái Lan về giá trị thương vụ trong quý I/2023, đến quý II/2023, nguồn vốn huy động của các startup Indonesia đã tụt lại phía sau Việt Nam. Các công ty khởi nghiệp Indonesia đã huy động được 327 triệu USD tổng vốn cổ phần trong quý II, trong khi các công ty khởi nghiệp Việt Nam huy động được 413 triệu USD.

Theo Tech Collective, trong nửa đầu năm, các công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á huy động được 4,2 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tốc độ hiện tại, nguồn vốn trong năm 2023 dự kiến sẽ thấp hơn cùng kỳ của năm trước tại Đông Nam Á nói riêng và tại châu Á nói chung.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/mua-dong-tai-tro-tac-dong-nhu-the-nao-den-cac-startup-giai-doan-hat-giong-tai-dong-nam-a.htm