Một trận đấu quyết liệt ở hậu trường FIFA
Trong bóng đá, các trận đấu căng thẳng, quyết liệt không chỉ diễn ra trên sân cỏ, mà đôi khi còn diễn ra ở giới lãnh đạo FIFA.
Nhóm “bạo loạn”
Ngày 8/6/1998, ông Sepp Blatter, Tổng Thư kí Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), được bầu làm Chủ tịch thứ 8 của tổ chức thể thao quốc tế đầy quyền lực này, thay cho João Havelange.
Bản thân Blatter có lẽ cũng không ngờ rằng khi đạt đến tột đỉnh vinh quang, chính là lúc ông bắt đầu cuộc chiến hầu như đơn độc chống lại cả một thế lực hùng mạnh, trong đó có nhiều người từng là chiến hữu, thậm chí là học trò của ông.
Đứng đầu nhóm này là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Lennart Johansson, vốn từ lâu đã nuôi tham vọng ngồi vào chiếc ghế người đứng đầu FIFA. Cái cớ nhóm này dựa vào để loại trừ ông Blatter là dường như ông này đã chi những khoản tiền hậu hĩnh cho nhiều thành viên Ban Chấp hành FIFA để được bầu làm Chủ tịch FIFA.
Tháng 4/2001, Tập đoàn tiếp thị ISL/ISMM của FIFA tuyên bố mất khả năng thanh toán, qua đó, “thể tình trạng tài chính bi đát của FIFA”, vì chính tập đoàn này được FIFA dành cho quyền tài trợ và bản quyền truyền hình tại các Vòng Chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 2002 và 2006. Ngay lập tức, Johansson lên tiếng yêu cầu Blatter từ chức. Sự vụ tạm lắng xuống sau khi Blatter, trong một quyết định được xem là sáng suốt và kịp thời, quyết định cho thành lập Công ti FIFA Marketing AG thế vào chỗ của ISL/ISMM.
Ngày 8/3/2002, tại phiên họp thường kì của Ban Chấp hành FIFA, Johansson cho công bố tài liệu chứng minh thiệt hại của FIFA lên đến 300 triệu Franc Thụy Sĩ, chứ không phải chỉ 53 triệu như điều tra của FIFA. 54 liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên yêu cầu triệu tập hội nghị bất thường để thảo luận tình trạng tài chính bi đát của FIFA.
Ban Chấp hành ấn định giải quyết việc này vào ngày 28/5, ngay trước ngày phải diễn ra hội nghị thường kì để bầu chủ tịch mới. Và đúng dịp này, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Phi Issa Aiatu bất ngờ tuyên bố chạy đua tranh cử chiếc ghế này. Ngay lập tức, Johansson lên tiếng ủng hộ Aiatu, rõ ràng là để loại bỏ Blatter. Lennart Johansson đương nhiên là đối thủ nguy hiểm nhất đối với Blatter. Tuy nhiên, điều gây bất ngờ và khó chịu nhất chính là việc "đứa con cưng" của Blatter - Tổng thư kí FIFA Michel Zen Ruffinen quay lưng lại với ông.
Ngày 3/5/2002, Ruffinen đệ trình trước Ban Chấp hành FIFA bản báo cáo 8 điểm cáo buộc Sepp Blatter- sếp và người đỡ đầu của mình, tội tham nhũng, nhận hối lộ, lãng phí công quỹ và lạm dụng quyền hành... gây tổn hại về vật chất và tinh thần cho tổ chức thể thao lớn nhất thế giới bao gồm 204 liên đoàn thành viên này. Báo cáo như một quả bom, gây choáng váng cho tất cả những người dự họp. 5/6 Phó chủ tịch FIFA yêu cầu Blatter từ chức. 11/24 thành viên Ban Chấp hành đứng đầu là Johansson đệ đơn lên Viện Công tố Thụy Sĩ yêu cầu đưa Blatter ra tòa.
Trước tình hình đó, Ban Chấp hành đưa ra giải pháp dung hòa là yêu cầu Blatter chuẩn bị một báo cáo bằng văn bản và đệ trình vào phiên họp bầu Chủ tịch mới (ngày 29/5/2002).
Tại đại bản doanh của FIFA trong lâu đài Zonnenberg vào những ngày này dường như tồn tại hai chính quyền, với “Hạ viện” dưới quyền Chủ tịch Blatter và “Thượng viện” dưới quyền Tổng Thư kí Ruffinen. Chính “Thượng viện” này là đầu mối cung cấp nhất cử nhất động của Blatter cho Johansson. Có vẻ như giờ của Blatter đã điểm. Chiến thắng đã nằm trong tầm tay của phe cánh Johansson.
Đòn phản kích của Blatter
Cuối tháng 4/2002, Johansson tái đắc cử Chủ tịch UEFA. Tuy nhiên, đây hầu như là sự nhượng bộ duy nhất và là đòn chiến thuật của Blatter. Người được bầu làm Phó chủ tịch UEFA không phải là Antonio Matarreze người Italia - cánh tay phải của Jonhansson, mà là chuyên gia bóng đá Tây Ban Nha Angel Maria Ljona, người của Blatter. Ngoài ra, trong thành phần Ban Chấp hành UEFA có đến 3 chiến hữu của Blatter là huyền thoại bóng đá Pháp Michel Platini, chuyên gia bóng đá người Thụy Sĩ Jianjorjo Shpis và Gerhard Mayer người Đức.
Ngày 29/5/2002, khách sạn Grand Hyatt Hotel tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc tưởng chừng vỡ ra vì căng thẳng, dù trên nét mặt của những người tham dự cố giữ vẻ bình thản và các phiên họp diễn ra trong phòng kín. Mọi con mắt đều hướng về Sepp Blatter với vẻ lo âu có, khấp khởi mừng thầm có.
Cuộc “điều trần” của ông chủ FIFA kéo dài suốt gần 2 tiếng đồng hồ, mà nội dung chủ yếu là giải đáp các câu hỏi của “nhóm Johansson”:
- Số tiền mà Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga Vyatreslav Koloskov nhận là để trả công cho ông này trong việc phát triển bóng đá tại Nga và các nước SNG sau khi Koloskov nghỉ chức Phó chủ tịch FIFA và được Blatter bổ nhiệm làm đại diện của mình tại châu Âu. Tương tự là các ngân phiếu được chuyển cho các quốc gia châu Phi.
- Ngân phiếu trị giá 25.000USD mang tên trọng tài người Niger Ljusen Bushardo là lấy từ tài khoản cá nhân của Blatter để giúp ông này thoát khỏi nguy cơ phá sản trong kinh doanh.
- Tình trạng tài chính của FIFA chưa bao giờ lành mạnh như lúc này. Ngân quỹ dự trữ của FIFA lên đến 588 triệu USD, và kể cả sau khi trừ mọi chi phí cho World Cup 2002 và một số dự án bóng đá lớn khác, đến cuối năm 2002 trong két của FIFA vẫn sẽ còn 260 triệu USD…
Sự trả lời rõ ràng, gây cảm giác minh bạch của Blatter, mà quan trọng hơn, việc ông giữ được lời hứa đưa ra hồi 1998 về việc hỗ trợ các nước lạc hậu phát triển nền bóng đá quốc gia… đã giúp Blatter lấy lại thế tưởng chừng đã bị tuột khỏi tầm tay.
Bầu Chủ tịch FIFA không phải là Ban Chấp hành của nó, mà là đại diện các liên đoàn quốc gia. Trong cuộc đấu một mất một còn, Joseph Sepp Blatter, người nổi tiếng bởi “khả năng rao bán các ý tưởng” và say mê bóng đá đến mức mãi đến cùng năm 2002 mới lập gia đình, đã thoát hiểm trong gang tấc để một lần nữa trở thành người đứng đầu FIFA cho đến năm 2015. Trong khi đó, Michel Ruffinen đã buộc phải từ chức, còn Lennart Johansson sau đó đã phải nhường vị trí Chủ tịch UEFA cho Michel Platini.