Một số quốc gia châu Á được hưởng lợi khi căng thẳng Trung Quốc - Mỹ leo thang

Căng thẳng địa chính trị, nhân khẩu học, đặc biệt căng thẳng Trung Quốc - Mỹ leo thang, là cơ hội để Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam khẳng định vị thế.

Theo Neil Johnson, đồng sáng lập công ty hải quan TNETS, công ty xử lý khoảng 200 tỷ đôla thương mại mỗi năm, những nhân tố kể trên sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các quốc gia và công ty ở châu Á, đồng thời định hình lại dòng chảy thương mại và vận chuyển trong phần còn lại của thập kỷ này.

Trong tập mới nhất của podcast The Freight Buyers’ Club, Johnson cho biết công ty của ông nhận được yêu cầu hàng ngày từ các khách hàng “đang tìm cách đa dạng hóa địa lý của các địa điểm cung cấp của họ”.

Đồng thời, các hãng vận chuyển container, hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần đã chuẩn bị cho sự chuyển đổi nguồn cung ứng bằng cách đầu tư mạnh vào khắp châu Á.

 Ảnh minh họa: Vietstock.

Ảnh minh họa: Vietstock.

Ngoài ra, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do Covid-19 của Trung Quốc, dân số già, chi phí sản xuất gia tăng và thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc cũng là những yếu tố thúc đẩy chính khiến các nhà sản xuất và nhà bán lẻ đánh giá các lựa chọn cung ứng của họ.

Trong khi đó, những quốc gia có dân số trẻ hơn được cho là chiếm ưu thế hơn Trung Quốc. Vì ở đó, cung cấp nguồn lao động trẻ, dồi dào và sẵn sàng làm việc.

Ông Johnson nói thêm: “Ở Indonesia, tầng lớp trung lưu sẽ rất lớn và họ sẽ sẵn sàng chi mạnh tay. Đồng thời, vị này nhấn mạnh Indonesia chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ các chiến lược cộng một, hoặc cộng hai, hoặc cộng 12 của Trung Quốc. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, quốc gia này cần chú trọng vào lĩnh vực hậu cần.

Dẫu cho Indonesia đang dốc sức để xây dựng các cảng, các sân bay mới, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu với nhu cầu chi tiêu ngày một gia tăng.

Đồng thời, Bangladesh, Việt Nam (châu Á) và Mexico (châu Mỹ) cũng sẽ được hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng tất cả đều yêu cầu cải thiện quy trình thương mại và hải quan, cũng như cơ sở hạ tầng hậu cần, vận chuyển và vận tải hàng không.

Theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc, năm 2023 dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt dân số Trung Quốc và sức cạnh tranh của Ấn Độ sẽ ngày càng tăng.

Vấn đề đặt ra là liệu quốc gia Nam Á này có thể tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào, các cải cách lớn về thể chế, cơ sở hạ tầng và một môi trường địa chính trị thuận lợi để hiện thực hóa tham vọng trở thành "công xưởng" tiếp theo của thế giới hay không?

Theo lời của ông Johnson, việc tách khỏi Trung Quốc là một dự án dài hơi, cần nhiều ý chí và quyết tâm. Ví dụ, để thay thế một nhà máy bán dẫn đang sản xuất sản phẩm rất suôn sẻ và nhất quán ở Trung Quốc - điều đó sẽ mất từ ba đến năm năm để thay thế ngay cả ở một nền kinh tế phát triển tốt như Singapore hay Malaysia.

Lê Na (Theo HSNW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-so-quoc-gia-chau-a-duoc-huong-loi-khi-cang-thang-trung-quoc--my-leo-thang-post243585.html