Một số nhà dân đã tốc mái do ảnh hưởng bão số 4
Dự báo chiều nay 19/9, tâm bão số 4 (bão Soulik) đi vào đất liền, đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị và gây mưa lớn cho nhiều tỉnh miền Trung.
Quảng Bình sơ tán khẩn cấp gần 1.000 người dân tránh bão số 4
Chiều 19/9, ông Hoàng Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết chính quyền địa phương vừa sơ tán 36 hộ gia đình trên địa bàn khỏi địa điểm sạt lở. Theo đó, chính quyền địa phương đã di dời 36 hộ gia đình với 160 nhân khẩu của bản Mít Cát.
“Những hộ dân này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở nên xã gấp rút sơ tán đến vị trí an toàn. Xã đã cung cấp thực phẩm trong vài ngày tới cho người dân để vượt qua bão lụt”, ông Lình nói.
Theo thông tin mới nhất từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 11 giờ ngày 19/9, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức sơ tán 238 hộ với 918 khẩu. Việc di dời tập trung ở các huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch, huyện Tuyên Hóa và huyện Minh Hóa.
Mưa lớn ở Quảng Trị, nước lũ ở các sông suối dâng nhanh
Theo Đồn Biên phòng Hướng Lập (Hướng Hóa) hiện trời đang mưa to, nước các sông, suối dâng cao, tại một số đập tràn nước dâng khoảng 0,5m, một số vị trí có nguy cơ sạt lở.
Đồn Biên phòng Hướng Lập phối hợp với UBND, lực lượng công an, quân sự triển khai lực lượng cắm biển báo nguy hiểm, tuyên truyền, vận động di dời một số hộ dân đến vị trí an toàn.
Hiện trên địa bàn có thôn Tri, khu tái định cư Cuôi, Tri bị cô lập do nước tràn dâng cao không qua lại được. Tại khu tái định cư bản Cựp có sạt lở nhẹ, đơn vị đã di dời 4 hộ/15 khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ lống.
Dông, lốc xoáy, sóng biển dâng cao tại Hà Tĩnh
Do ảnh hưởng của bão số 4, Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn kéo dài. Rạng sáng 19/9, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dông, lốc xoáy, gây ra một số thiệt hại cho người dân. Dự báo vùng ven biển có gió mạnh cấp 6-7, phía Nam cấp 8, giật cấp 9-10, sóng biển cao 2-4 m, biển động mạnh.
Người dân không được chủ quan
Sáng nay 19/9, tại Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 4.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó Trưởng Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, bão số 4 có sức gió giảm nhẹ hơn bão số 3 nhưng người dân không được chủ quan, tránh những thiệt hại đáng tiếc.
"Người dân không được chủ quan, lơ là với cường độ bão như vậy vì ngư dân ham đánh bắt cá ở những vùng nhiều cá, cho rằng tàu thuyền có thể chống chịu được. Thứ 2 chúng ta cần lưu ý mưa lũ sau bão. Mưa lũ rất lớn, có nơi trên 500mm, lưu ý cho vùng núi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, hay là ngập sâu tại các vùng như Hà Tĩnh, khu vực ven sông Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế", ông Tùng thông tin.
Từ sáng sớm nay, vùng hoàn lưu bão số 4 đã gây mưa rất lớn. Dải mây gây thời tiết xấu trải dài từ nam đồng bằng xuống Nam Trung Bộ. Đêm qua và sáng nay ở một số khu vực thuộc Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị đã mưa rất lớn, lượng mưa có nơi trên 200mm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 14 giờ ngày 19/9, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 16,9 độ Vĩ Bắc, 106,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị, sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 10.
Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhieu-dia-phuong-da-chiu-anh-huong-do-bao-so-4-393500.html