Một số ngân hàng Trung Quốc cho trả vay thế chấp đến 95 tuổi
Đài CNN cho biết thị trường bất động sản Trung Quốc ảm đạm đến mức một số ngân hàng phải triển khai biện pháp quyết liệt, chẳng hạn cho khách hàng trả lãi vay tới 95 tuổi.
Với giới hạn độ tuổi mới của một số ngân hàng ở Nam Ninh, Hàng Châu, Ninh Ba và Bắc Kinh, người 70 tuổi vẫn có thể vay kỳ hạn 10 - 25 năm.
Biện pháp nâng giới hạn độ tuổi chưa trở thành chính sách quốc gia. Giới phân tích đánh giá biện pháp này nhằm mục đích đem lại “sức sống” cho thị trường bất động sản đang suy yếu trong bối cảnh dân số đất nước già hóa nhanh chóng.
Theo nhà phân tích Yan Yuejin (công ty dịch vụ bất động sản E-House): “Về cơ bản đây là công cụ kích thích nhu cầu nhà ở vì giúp giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ và khuyến khích mua nhà”.
Ông cũng chỉ ra khoản vay dài hạn như vậy giống như “vay chuyển tiếp”: nếu người vay lớn tuổi không thể trả thì con cái họ phải tiếp tục gánh nợ.
Tháng trước, Trung Quốc thông báo sụt giảm dân số lần đầu tiên sau hơn 60 năm - cột mốc mới trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đem lại nhiều hệ lụy đến nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Tính đến cuối năm 2022 số người từ 60 tuổi trở lên tăng lên đến 260 triệu (chiếm 19,8% dân số).
Khoản vay đa thế hệ
Ủy ban quản lý Ngân hàng - Bảo hiểm Trung Quốc quy định tuổi của người vay thế chấp cộng với thời hạn thế chấp không được vượt quá 70 năm. Tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là khoảng 78.
Nhưng các ngân hàng lại đang tự đặt ra giới hạn độ tuổi riêng. Tờ Tin tức Bắc Kinh cho biết một chi nhánh Ngân hàng Giao thông Trung Quốc tại Bắc Kinh nói rằng người 70 tuổi vẫn có thể vay kỳ hạn 25 năm. Tất nhiên họ phải chịu vài điều kiện ràng buộc như phải có con cái đảm bảo, tổng thu nhập hàng tháng ít nhất phải gấp đôi mức thanh toán thế chấp hàng tháng.
Tin tức Bắc Kinh còn dẫn lời một giám đốc ngân hàng tiết lộ một chi nhánh Ngân hàng CITIC nâng giới hạn độ tuổi lên 80. Hiện hai ngân hàng đều từ chối bình luận.
Nhà kinh tế Hong Hao (công ty quản lý tài sản Grow Investment) đánh giá đây là biện pháp khá quyết liệt, giống mánh lới thu hút người già trả vay thế chấp cho thế hệ trẻ hơn.
Nhà phân tích Yan cũng nhận định đối tượng hưởng lợi chính có thể không phải người già, mà là người vay ở độ tuổi 40 - 59. Với giới hạn mới thì họ có đến 30 năm trả khoản vay - nghĩa là mỗi tháng số tiền phải thanh toán ít hơn.
E-House tính toán nếu ngân hàng nâng giới hạn độ tuổi lên 80, người vay ở độ tuổi 40 - 59 có thêm 10 năm trả khoản vay. Giả sử họ vay 1 triệu nhân dân tệ (145.416 USD) thì mức thanh toán mỗi tháng giảm được 1.281 tệ (186 USD) - tương đương 21%.
Năm qua, người dân Trung Quốc vẫn chưa mặn mà với việc mua nhà. Tại nhiều thành phố còn nổ ra biểu tình từ chối trả vay thế chấp cho những ngôi nhà chưa hoàn thành - giáng thêm đòn mạnh vào tâm lý thị trường.
Giới chức cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng cách nới lỏng quy định vay vốn, cắt giảm lãi suất cho vay và tăng thanh khoản bất động sản để các đơn vị phát triển có thể tiếp tục xây dựng dự án bị đình trệ, giao nhà cho người mua càng sớm càng tốt.
Khoản vay rủi ro?
Bên ngoài Bắc Kinh, một số ngân hàng ở Nam Ninh (khu tự trị Quảng Tây) cũng nâng giới hạn độ tuổi được vay thế chấp lên 80, theo tờ Báo sáng Nam Quốc. Tờ Nhật báo Ninh Ba cùng tờ Nhật báo Hàng Châu cũng ghi nhận tình trạng ngân hàng ở địa phương mình quảng cáo giới hạn độ tuổi được nâng lên 75 hoặc 80.
“Nếu quá già để đáp ứng yêu cầu khoản vay thì người vay có thể nhờ con cái làm người bảo lãnh”, một ngân hàng cho biết.
Nhưng luật sư Wang Yuchen (công ty luật Kim Tố) cảnh báo: “Người già có khả năng trả nợ tương đối kém. Khoản vay có thể ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của họ vì họ phải làm việc trả nợ đến cuối đời, sau khi chuyển giao sẽ làm tăng áp lực tài chính của con cái. Một số người chọn cách này có lẽ do họ thiếu tiền. Nhưng vay như vậy trong thời điểm hiện tại rất rủi ro”.