Một số dự án quan trọng quốc gia chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn

Tiến độ hoàn thành một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Quốc hội sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quốc hội sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 25-5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước.

Nghị quyết với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Thường trực đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã quyết định giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Kết quả giám sát cho thấy, qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.

 Các đại biểu dự họp sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Các đại biểu dự họp sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành đưa vào khai thác 635 km thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km. Cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng của Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, như công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết số 43. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023.

Đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm nên Chính phủ đã kiến nghị và được Quốc hội chấp thuận, cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn của chương trình tại kỳ họp thứ 6.

 Toàn cảnh phiên họp sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Toàn cảnh phiên họp sáng 25-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác.

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch Covid-19.

Cùng với đó, tiến độ hoàn thành một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.

Một số dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS); việc chưa tổ chức thu phí dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình; trên nhiều đoạn, tuyến đường còn tồn tại, bất cập…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH1, đoàn giám sát kiến nghị đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31-12-2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra tại báo cáo kết quả giám sát.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-so-du-an-quan-trong-quoc-gia-chua-bao-dam-tam-nhin-dai-han-post741506.html