Một nền tảng quan trọng của nền kinh tế

Để phát huy vai trò của kinh tế tập thể (KTTT) như một trong những nền tảng quan trọng của toàn bộ nền kinh tế, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về KTTT, mà trọng tâm là HTX; thì cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về KTTT cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Sản xuất miến dong tại HTX dịch vụ nông nghiệp Ngọc Tân (Ngọc Lặc). Ảnh: Lê Hòa

Có nhận định cho rằng, KTTT không chỉ lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, mà còn hướng tới và coi trọng lợi ích xã hội, nhất là xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy việc làm giàu cho các thành viên và phát triển cộng đồng. Do đó, KTTT là loại hình kinh tế có tính xã hội và nhân văn sâu sắc. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đó, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã xác định: “KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt”; đồng thời, “kinh tế Nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã ra đời. Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện, khu vực KTTT nước ta cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Trong đó, HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động... Mặc dù vậy, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả KTTT và khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thành phần kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới, đã nhấn mạnh: “Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đối với Thanh Hóa, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, KTTT tiếp tục được Tỉnh ủy và cấp ủy đảng trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đúng định hướng. Trong đó, chú trọng phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, nhất là chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đồng thời, có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...

Qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT. Điển hình là chính sách về thành lập mới HTX; chính sách đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách xây dựng mô hình HTX hoạt động theo Luật HTX; chính sách xây dựng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị (đã hỗ trợ 10 mô hình, với tổng kinh phí hỗ trợ 7,5 tỷ đồng); chính sách tín dụng (đã thực hiện cho vay 62,762 tỷ đồng đối với 188 dự án để các HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và mở rộng sản xuất, kinh doanh); chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chính sách đất đai (tạo điều kiện cho các HTX được thuê đất, giao đất xây dựng trụ sở làm việc, thực hiện dồn điền, đổi thửa, thuê đất lâu dài để xây dựng nhà xưởng, kho bãi, sân phơi, sản xuất...); chính sách bảo hiểm xã hội (có 425 HTX tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho 2.609 người lao động, với tổng kinh phí 39,7 tỷ đồng)...

Trang trại tôm công nghiệp công nghệ cao ở xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa).

Được xác định là loại hình nòng cốt của KTTT, các HTX đang nhận được nhiều sự quan tâm để phát triển ngày càng hiệu quả. Theo đó, cùng với việc triển khai các cơ chế, chính sách, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm củng cố tổ chức bộ máy và hoạt động của tổ chức KTTT theo đúng quy định của Luật HTX. Đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Qua đó, nhiều HTX đã chủ động đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất hàng hóa; ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu... Điển hình phải kể đến các HXT như HTX nông nghiệp Phú Lộc, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, HTX cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến, HTX thương mại Chung Nghĩa, HTX dược liệu Pù Luông, HTX điện Hoằng Thanh, HTX nuôi trồng thủy sản Quảng Chính... Bên cạnh đó, nhiều HTX như HTX dược liệu Pù Luông, HTX sản xuất thương mại sạch Hoằng Đạo, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng, HTX chế biến thủy sản Vị Thanh, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn, HTX mật ong Cẩm Ngọc... đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, chủ động mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Có thể nói, nhờ sự chủ động đổi mới công nghệ sản xuất, liên doanh liên kết và nâng cao hiệu quả quản trị, nhiều HTX đã hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người lao động và thành viên của HTX. Hiện nay, toàn tỉnh có 660 HTX đang hoạt động hiệu quả, đạt loại khá, tốt (chiếm 56% tổng số HTX đang hoạt động). Không chỉ tăng về số lượng, các HTX còn đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực, quy mô vốn, thành viên, với chất lượng hoạt động được nâng lên.

...

Đảng ta đã xác định, phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường. Đồng thời, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta... Do đó, bên cạnh các cơ chế, chính sách làm “bệ đỡ”, thì vấn đề đặt ra cho các cấp, các ngành, các địa phương lúc này là phải chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và Nhân dân về phát triển KTTT là yêu cầu và xu thế tất yếu. Có như vậy KTTT mới thật sự là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/mot-nen-tang-quan-trong-nbsp-cua-nen-kinh-te/205625.htm