Một giây nông nổi, hậu quả cả đời
Những phiên tòa phơi bày bi kịch, từ va chạm nhỏ, phút nông nổi hay hiểu lầm, mạng sống bị tước đoạt, để lại nỗi đau cho cả người ở lại và kẻ vướng lao lý
Sau mỗi cánh cửa tòa án, có những phận người chìm trong nước mắt. Những bi kịch tưởng chừng như chỉ có trên phim ảnh lại hiện hữu đau đớn giữa đời thường, bắt nguồn từ những phút giây mất kiểm soát, từ những hiểu lầm oan nghiệt. Nạn nhân, bị cáo và cả những người thân của họ, mỗi người một nỗi đau riêng, cùng quẩn quanh trong vòng xoáy nghiệt ngã của số phận. Nơi pháp đình không chỉ có công lý được thực thi, mà còn là nơi chứng kiến tận cùng những giằng xé, những xót xa và cả những tia sáng le lói của tình người, của sự vị tha đến không ngờ.
Đồng tiền oan nghiệt
Cách nhau chừng 1 tháng, có 2 phiên tòa với nhiều điểm chung đến lạnh người. Hai người đàn ông là những lao động nghèo rời quê lên phố với hy vọng mưu sinh đã phải bỏ mạng.
Họ chết dưới lưỡi dao của những kẻ cũng nghèo, cũng lam lũ, cũng vật lộn với đời như họ. Tất cả chỉ vì "những lý do khó tin" - câu nói bật ra đầy bất lực từ những người vợ.
Nguyễn Nhựt Tr. từng là người em họ gần gũi của anh Nguyễn Văn T. Họ từng hát karaoke, nhậu với nhau trong căn trọ xập xệ ở Bình Chánh (TP HCM). Chỉ vì 200.000 đồng tiền thuê loa, những lời đòi nợ qua điện thoại biến thành cuộc cãi vã, rồi một lưỡi dao găm thẳng vào ngực người anh.
Vợ nạn nhân kể lại trong nước mắt: "Ổng vừa ra khỏi cửa là tôi chạy theo sau nhưng không kịp. Chỉ kịp thấy ổng quỵ xuống...". Cái chết đến quá đột ngột, trong một tối thường nhật, khi con gái chị vừa học bài xong và đang chuẩn bị đi ngủ.
Cả phiên tòa, vợ nạn nhân khóc đến không thành tiếng. Khóc vì chồng chết tức tưởi, khóc vì mẹ góa con côi, khóc vì tòa hỏi muốn yêu cầu bồi thường bao nhiêu thì chị chẳng biết nói gì. Bởi người gây ra tội lỗi kia cũng nghèo, cũng tay trắng. Bị cáo bảo sẽ cố gắng khắc phục hậu quả nhưng tiền ở đâu? Ngoài kia, vợ và con bị cáo cũng đang chật vật từng ngày...
Còn Trịnh Đình A., giết người vì… nghi ngờ bạn mình gọi người đến đánh hội đồng mình. Vụ việc bắt đầu trong một buổi chiều bình thường, khi bạn của A. rủ vợ chồng anh đến chơi.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu không có sự xuất hiện của một người đàn ông khác. Người này đến nhà người bạn của A. để đòi nợ, nhưng A. lại hoảng loạn, nghi ngờ bạn mình đã gọi người đến đánh mình, và với suy nghĩ duy nhất là phải tự bảo vệ mình, A. đã thủ dao và lao vào tấn công.
Tiếng kêu thất thanh của nạn nhân trong cơn hấp hối đã làm căn nhà vốn yên tĩnh giờ đây trở thành nơi chứng kiến bi kịch. Tiếng gào thét như vẫn còn văng vẳng trong không gian khi xe cấp cứu vội vã rời đi, mang theo một sinh mạng bị cướp đi trong sự hiểu lầm chết người.
Vợ của nạn nhân ngồi bên dưới thất thần. Trước tòa, chị nghẹn ngào yêu cầu bị cáo bồi thường tổn thất hơn 300 triệu đồng. Nhưng rồi, trong tiếng thở dài nghe rõ cả gian phòng, luật sư thông báo rằng vợ bị cáo chỉ mới xoay xở được 20 triệu đồng.
Hai người đàn bà ở hai đầu bi kịch, một người mất chồng, một người có chồng tù tội, cùng ngồi trong khán phòng ấy mà số phận mỗi người như chênh vênh bên bờ vực.
Phiên tòa khép lại, còn trong căn phòng trọ cũ kỹ, một đứa trẻ mỗi tối vẫn chờ ba về. Ở một góc chợ khác, có người đàn bà gầy gò ngồi đếm từng tờ tiền lẻ gom góp nuôi con ăn học. Có những người vợ phải học cách đi qua mùa tang tóc, còn có những người vợ đang âm thầm gánh tội thay chồng, vì trên đời, chỉ cần là "vợ của kẻ giết người" thì thiên hạ đã định sẵn phần tội cho họ. Những nỗi đau không ai kém ai.

Ân hận muộn màng của bị cáo Nguyễn Nhựt Tr. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Xin khoan hồng cho kẻ gây án
Cũng có những phiên tòa mà 2 đầu giới tuyến là ranh giới không rõ ràng. Một ngày giữa tháng 5-2025, tại TAND TP HCM, trên ghế chờ phiên xử, bà T. ngồi ôm khư khư chiếc túi xách cũ. Hai tay bà lộ ra những vết sẹo đỏ thẫm do bị bỏng nặng.
Người gây nên tội lại chính là anh ruột bà, ông Nguyễn Văn D. (51 tuổi, quê Bắc Giang). Mọi chuyện bắt đầu như hàng ngàn câu chuyện khác trong những gia đình lao động. Ông D. vay của em gái 40 triệu đồng, không giấy nợ, không lãi suất, chỉ là lòng tin của những người ruột thịt. Nhưng mãi không thấy anh trả nợ, bà T. nhiều lần nhắn tin, gọi điện để đòi. Những lời lẽ nặng nề qua điện thoại.
Đến tối 15-11-2021, ông D. đến trước nhà em mình ở quận Tân Bình, mang theo 3 chai thủy tinh, 2 chứa xăng, 1 chai trống. Ông ném chai đầu vào tường, châm lửa rồi ném tiếp 2 chai còn lại về phía em và cháu mình. Căn nhà bốc cháy, bà T. bị bỏng nặng, thương tích đến 39%.
Người ta gọi đó là tội ác dù bị cáo nói, vụ án là phút bốc đồng. Hai chai xăng đó là ông mua về để đổ vào xe máy cho con. Và bản án 15 năm tù mà tòa tuyên là bằng chứng cho tội ác ông D. gây ra. Nhưng đứng giữa tòa án, bà T. đã nghẹn ngào xin cho anh mình: "Tôi không ghét bỏ anh tôi. Tôi biết anh tôi bế tắc, vợ bỏ, một mình nuôi con… Anh tôi không phải người xấu. Tôi là bị hại nhưng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt".
Phòng xử lặng đi. Có ai đo được chiều sâu của nỗi đau? Khi ông D. bị dẫn ra xe về trại giam, bà T. vẫn đứng nhìn theo. Có người thân kéo tay bà lại nhưng bà chỉ lắc đầu: "Tôi nhìn anh lần nữa. Không biết bao giờ mới gặp lại…".
Người đàn bà ấy không còn oán giận. Có thể, bà đã khóc hết nước mắt khi còn nằm viện, khi cạo bỏ phần da cháy, khi xức thuốc mỗi đêm mà đau đến tận xương.
Nhưng đằng sau tội ác, còn lại gì? Còn một người bị vợ bỏ, nhà cửa tan hoang, con bơ vơ, phần ông thì gánh trên lưng bản án của pháp luật và bản án lương tâm, chỉ vì một giây nông nổi mà cả đời người tan hoang.
Luật sư Phạm Hiền Trúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định rằng những vụ án như thế này chính là lời cảnh tỉnh sâu sắc dành cho toàn xã hội. Ông nhấn mạnh, mỗi người cần thận trọng và suy nghĩ kỹ trước những hành động nhất thời, tránh để phút giây nông nổi dẫn đến những hậu quả đau lòng, không thể cứu vãn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-giay-nong-noi-hau-qua-ca-doi-196250523210116711.htm