Moscow nói thẳng khi Mỹ lập vòng kim cô NATO, bóp nghẹt từ phía tây

Mỹ đang dần hình thành vành đai của NATO bao vây phía Tây nước Nga, kéo dài liên tục hàng nghìn km từ vùng đất Bắc Âu Na Uy đến tận Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào năm 2021, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, chính phủ Na Uy đã ký thỏa thuận với Mỹ về điều tiết hoạt động quân sự chung, sửa đổi các quy định của thỏa thuận trước đó, cho phép Lầu Năm Góc xây dựng cơ sở vật chất tại ba sân bay và một căn cứ hải quân của nước này.

Sau đó, người Mỹ đã chuyển một số máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer sang đất Na Uy và hiện tại chúng chỉ cách biên giới với Liên bang Nga ở khu vực tây bắc 350 km.

Sau khi Nga buộc phải tiến hành Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, Mỹ đã tăng cường ảnh hưởng đối với các nước Scandinavi, mà điển hình là vào tháng 4 năm 2023, các lực lượng ủy nhiệm thân Mỹ đã biến Phần Lan từng trung lập một thời trở thành một phần của khối NATO.

Cùng với Helsinki, Thụy Điển cũng đã quyết định rời bỏ vị thế trung lập tưởng tượng trong quá khứ, nộp đơn xin gia nhập khối này.

Vào tháng 10 năm 2023, tất cả các nước NATO, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

Có thể, sự phản đối của Ankara và Budapest sẽ được khắc phục sau một thời gian nữa, nhưng ngay cả ở thời điểm hiện tại, Stockholm và Helsinki vẫn đang tích cực giúp đỡ Kiev cả về vật chất lẫn tinh thần và tăng chi tiêu quân sự, tức là họ làm bất cứ điều gì Washington định hướng.

Ví dụ, Phần Lan đang loại bỏ kho vũ khí của Liên Xô và gửi chúng đến Ukraine, với ý định sau đó sẽ thay thế bằng vũ khí của Mỹ. Helsinki muốn mua 64 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II của Mỹ với giá 8,4 tỷ euro và các trang thiết bị hạng nặng khác.

Stockholm đã cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho Ukraine và cam kết sẽ gia tăng đáng kể công suất sản xuất đạn pháo 155 mm cho Kiev. Để làm được điều này, Chính phủ Thụy Điển đã ký thỏa thuận tăng năng lực sản xuất đạn pháo với công ty Nammo.

Ngoài ra, Stockholm đã bắt đầu đóng hai tàu ngầm diesel-điện A26 để “phòng thủ trước mối đe dọa từ đối phương”. Hai tàu ngầm Blekinge và Skåne dài 66 mét dự kiến sẽ được biên chế lần lượt vào năm 2027 và 2028.

Với mục đích tương tự, Na Uy đã đặt hàng đóng tại Tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems của Đức bốn tàu ngầm Type 212C/D dài 73 mét.

Cùng lúc đó, tại Đan Mạch, ngày 31/12/2023, Nữ hoàng Margrethe II, 83 tuổi, trị vì 52 năm, đã nhanh chóng thoái vị nhường ngôi cho Thái tử 55 tuổi Frederick, người được cho là tán đồng kế hoạch đổi mới lực lượng vũ trang của đất nước.

Na Uy và Đan Mạch cũng đang tích cực mua vũ khí của Mỹ và hỗ trợ Ukraine. Mỹ cũng đã ký các thỏa thuận quốc phòng riêng với Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch.

Việc các quốc gia trên thi nhau gia nhập NATO đã giúp Washington có cơ hội tạo thêm các đầu cầu cho các hoạt động tác chiến ở Bắc Cực và lập vòng kim cô của NATO để bao vây Liên bang Nga từ hướng tây.

Ngoài ra, Mỹ đã bắt đầu diễn tập chiến tranh toàn diện ở châu Âu. Hiện tại, việc thành lập trung tâm kiểm soát hoạt động hàng không chung của Lực lượng Đồng minh NATO mang tên “Bắc Cực cao” (High North) đang được tiến hành.

Bộ chỉ huy chung NATO ở Brunssum (Hà Lan) đã được cải tổ, khu vực “chịu trách nhiệm phòng thủ” hiện không chỉ bao gồm các nước Baltic, mà còn cả vùng Scandinavia, với nòng cốt là lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 10 nghìn quân, 150 máy bay và 40 tàu chiến và vùng Baltic như thể trở thành “biển nội địa” của NATO.

Tổng cộng, có 32 nghìn lính Mỹ ở châu Âu, nhưng số lượng của họ có thể tăng lên nhanh chóng với sự tăng cường binh lực hơn nữa từ các cuộc diễn tập chung dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, cũng như việc triển khai các nhóm quân NATO mới tại chiến trường châu Âu.

Trước những động thái của phương Tây, Moscow đã nhiều lần lên tiếng phản đối chiến lược bành trướng về phía Đông của NATO.

Điện Kremlin khẳng định, NATO được lập ra để làm đối trọng với Khối Hiệp ước Warszawa do Liên Xô làm thủ lĩnh, nhưng khi Liên bang Xô viết tan rã, khối Warszawa không còn, NATO đã không tự giải tán mà ngược lại, vẫn cứ tiếp tục phát triển và ngày càng mở rộng hơn, dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Khối liên minh quân sự của phương Tây đã xé bỏ những cam kết với Liên Xô và Nga, tăng cường kết nạp những thành viên của Liên bang Xô viết cũ, lập các căn cứ quân sự và đưa trang bị hạng nặng đến áp sát biên giới nước Nga, đồng thời thực hiện hàng loạt chính sách mang tính chất thù địch với Moscow.

Do đó, Moscow đã cảnh báo là sẽ có chính sách đáp trả tương xứng bằng cách rút khỏi các hiệp ước song phương với Mỹ như: Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF); đình chỉ “Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới” (NEWS START) hay rút khỏi các hiệp ước đa phương với NATO, châu Âu như: Hiệp ước về lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), Hiệp ước Bầu trời Mở (OST); Hiệp ước kiểm soát vũ khí châu Âu, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT)…

Moscow khẳng định rằng, chính phương Tây là bên phải chịu trách nhiệm về tình trạng leo thang căng thẳng như hiện nay và Moscow sẽ làm tất cả để phá bỏ trật tự thế giới đơn cực hiện nay đang do Mỹ thống trị, xây dựng một trật tự thế giới mới đa cực và ổn định hơn.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/moscow-noi-thang-khi-my-lap-vong-kim-co-nato-bop-nghet-tu-phia-tay-post668627.html