Mong chế độ đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên miền núi

Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo đã nhận được nhiều sự quan tâm của đội ngũ giáo viên cả nước, trong đó Đắk Lắk dành sự quan tâm đến chính sách đặc thù.

Một tiết học ở Trường Tiểu học Y Jút, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TT)

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP (ngày 7/7/2023) về xây dựng Luật Nhà giáo đã đem lại nhiều niềm vui đối với cán bộ quản lý, giáo viên trên cả nước.

Đối với Đắk Lắk, đội ngũ nơi đây mong đợi khi Luật ra đời sẽ có những ưu tiên đối với Giáo dục miền núi, tạo động lực để nhà giáo phát huy phẩm chất, năng lực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Chế độ đãi ngộ tốt giúp nhà giáo yên tâm cống hiến. (Ảnh: 1 tiết dạy ở Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt, Đắk Lắk)

Những điều kiện đặc thù

Theo TS Phan Bá Lê Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhà giáo công tác ở miền núi đặt ra nhiều thách thức đặc biệt, do đó chế độ tuyển dụng, sử dụng và đào tạo cần được xem xét, điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu và điều kiện đặc thù của vùng miền đó.

Vì vậy, khi Luật Nhà giáo ra đời, cần xét đến một số yếu tố quan trọng, gồm:

Tuyển dụng: Quá trình tuyển dụng nhà giáo công tác ở miền núi cần đảm bảo tính công bằng, đa dạng và đáp ứng nhu cầu cụ thể của khu vực. Có thể xem xét sử dụng tiêu chí địa phương trong quá trình tuyển dụng, ưu tiên ứng viên có hiểu biết văn hóa địa phương, khả năng giao tiếp với cộng đồng và sự cam kết với công tác giáo dục ở miền núi.

Đào tạo: Việc đào tạo các nhà giáo về phục vụ cho các địa phương khó khăn nên sử dụng nguồn ngân sách địa phương “đặt hàng” và làm công tác tuyển dụng các giáo viên tương lai khi đang là sinh viên. Bên cạnh đó, một cách tiếp cận hiệu quả và bền vững trong giáo dục ở miền núi là sử dụng giáo viên cộng đồng, tức là những người có nguồn gốc và hiểu biết văn hóa địa phương. Chính quyền và tổ chức giáo dục có thể xem xét việc tuyển dụng và đào tạo giáo viên cộng đồng để đảm bảo sự gắn kết mạnh mẽ giữa nhà giáo và cộng đồng.

Vượt qua nhiều khó khăn, đa số Nhà giáo ở tỉnh miền núi Đắk Lắk vẫn bám trường, bám lớp, mang đến niềm vui cho học sinh. (Ảnh: 1 tiết dạy ở Trường THPT Lê Quý Đôn, Đắk Lắk)

Sử dụng nhà giáo: Chính quyền và các tổ chức giáo dục cần đảm bảo rằng nhà giáo công tác ở miền núi được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững ví như sau khi tuyển dụng Nhà giáo công tác ở miền núi ngoài trình độ chuyên môn được đào tạo cần được bổ sung thêm về kiến thức, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục và tập quán địa phương, cũng như các kỹ năng giảng dạy và quản lý lớp học đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh ở miền núi. Điều này bao gồm cung cấp đủ nguồn lực và hỗ trợ cho nhà giáo, đảm bảo điều kiện làm việc tốt, bao gồm cơ sở hạ tầng, vật chất và công nghệ.

Hỗ trợ và khuyến khích: Chính quyền và các tổ chức giáo dục cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích nhà giáo công tác ở miền núi. Điều này bao gồm việc cung cấp hỗ trợ điều kiện ăn ở, đi lại và sự quan tâm về tinh thần đối với các nhà giáo. Bên cạnh đó cần hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển chuyên môn qua các chương trình đào tạo liên tục, các chương trình nâng cao trình độ chuyên môn và cơ hội tham gia các hoạt động chuyển giao kinh nghiệm giữa các nhà giáo giữa các địa phương cùng điều kiện khó khăn và các vùng phát triển.

Thiếu giáo viên khiến 1 trường học ở huyện Krông Pắc, Đắk Lắk phải dồn lớp. (Ảnh: TT)

Tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm cống hiến

Thầy Nguyễn Hữu Hiệp, THCS Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, hiện nay, nhiều chính sách đã được ban hành và thực hiện, giúp đội ngũ nhà giáo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phần nào yên tâm công tác.

Tuy nhiên, ở các trường học vùng sâu, vùng xa hiện nay, nhiều giáo viên đến công tác được một thời gian rồi xin chuyển thậm chí nghỉ việc, gây khó khăn trong việc duy trì sĩ số, duy trì chất lượng.

Nhiều giáo viên tự nguyện dạy thêm tiết vì trường thiếu giáo viên. (Ảnh: 1 lớp học ở huyện Krông Pắc, Đắk Lắk)

“Nhiều giáo viên sau một thời gian về công tác được đơn vị cho đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và am hiểu văn hóa cộng đồng tại địa phương thì đã xin chuyển, hoặc nghỉ. Giáo viên mới cần thêm thời gian tích lũy, điều này gây ra khó khăn cho việc triển khai kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ bộ môn. Chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung”, thầy Hiệp phân tích. Từ đó mong muốn, khi Luật Nhà giáo ra đời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công thi tuyển, xét tuyển giáo viên một cách kịp thời, khuyến khích nhiều sinh viên vào ngành sư phạm có việc làm sau khi ra trường.

Đặc biệt, cần có chế độ ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng liên tục về thời gian đã công tác thực tế tại đơn vị.

Cụ thể, hợp đồng giáo viên nên liên tục về thời gian, không nên dưới 12 tháng theo Nghị quyết 102/NQ-CP. Khi giáo viên hợp đồng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đóng bảo hiểm đủ 36 tháng và được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì nên xét tuyển dụng biên chế.

Về tính thâm niên vùng, nên tính cả thời gian giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm để bảo đảm thu nhập, giúp giáo viên yên tâm công tác.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện nay tình trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học đang đặt ra những thách thức trong việc huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhiều địa phương phải linh hoạt trong việc hợp đồng, điều tiết giáo viên dạy liên trường nhằm bảo đảm số tiết, số buổi học cho học sinh theo quy định.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mong-che-do-dac-thu-trong-tuyen-dung-su-dung-giao-vien-mien-nui-post682327.html