Món ngon từ sâu tre
Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan, thiên nhiên hùng vĩ, non nước Cao Bằng còn tạo dấu ấn về vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa, ẩm thực. Hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa, du khách có thể khám phá những món ăn độc đáo, trong đó, sâu tre là món ăn dân dã, với hương vị ngọt bùi, béo ngậy, trở thành món ăn đặc sản được du khách ưa chuộng.
Sâu tre thường ở những thân tre còn non đã bị héo phần ngọn, thân xuất hiện những lỗ đục nhỏ, chắc chắn cây tre đó có sâu. Lúc này chỉ cần hạ cây xuống, dùng dao bổ dọc thân tre là lộ ra những con sâu trắng muốt. Sâu tre nhỏ như đầu đũa, dài khoảng 3 - 4 cm. Khi còn trong đốt tre có màu trắng đục, nhìn giống sâu chít nhưng khác ở điểm ăn giòn, ngậy hơn và thường được người dân chế biến thành nhiều món ngon. Sâu tre ngon nhất vào độ tháng 8 - 10 âm lịch. Mùa sâu tre cũng khá ngắn, chỉ tầm hơn 1 tháng là hết lứa.
Mặc dù món sâu tre được nhiều người ưa thích, song món ăn đặc sản này thuộc loại côn trùng, trong quá trình chế biến mà làm không kỹ dễ gây ra các triệu chứng như dị ứng, ngộ độc (giống như: nhộng ong, trứng kiến), đối với một số người có cơ địa không phù hợp, nên trước khi chế biến sâu tre, cần ngâm vào nước muối pha loãng để sâu thải hết độc từ ruột ra ngoài, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc khi ăn. Không chỉ là món ăn đặc sản được nhiều người ưa chuộng, sâu tre bên cạnh giá trị ẩm thực đó còn là món ăn giàu chất dinh dưỡng vì có hàm lượng đạm cao, tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Có nhiều cách chế biến món sâu tre, trong đó người dân ưa chuộng rang hay xào trong các bữa ăn. Với món sâu tre rang lá chanh chế biến khá đơn giản, sâu tre sau khi rửa sạch để ráo nước, cho ra bát trộn đều với một ít muối, hạt nêm, tiêu, nước mắm, để 15 phút cho ngấm gia vị. Cho tỏi vào chảo phi đến khi có mùi thơm thì để sâu tre vào đảo nhanh tay. Khi sâu tre chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ vào đảo đều tầm 2- 3 phút rồi bày ra đĩa. Đĩa sâu tre vàng tươi, quyện với mùi thơm hấp dẫn từ lá chanh, ăn với cơm trắng hoặc làm món nhậu với bia, rượu.
Cách chế biến món sâu tre xào măng chua, sau khi sơ chế ướp sâu tre với hạt tiêu, thêm thìa đường, hạt nêm và hành tỏi băm. Măng chua vớt ra xả nước, vắt ráo, rau mùi tàu cắt nhỏ. Rang hành tỏi trên chảo cho thơm, cho sâu vào rang cho ráo nước và thấm gia vị. Tiếp đó cho khoảng 3 muỗng dầu vào, đảo đều. Cho măng chua vào, nêm nước mắm đảo đều cho măng thấm gia vị, thêm rau mùi và ớt vào trộn đều. Đĩa sâu tre vàng thơm, xen lẫn màu trắng của măng chua, sâu tre mềm, béo ngậy.
Các món chế biến từ sâu tre nằm trong thực đơn các món ăn bản địa tại các nhà hàng, homestay trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Chị Đinh Thị Bình, chủ Nhà hàng Tùng Dương ở khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) tiết lộ: Đến mùa sâu tre luôn là món được khách gọi nhiều nhất và hết nhanh nhất của quán. Nhiều người ban đầu e dè không dám ăn, nhưng khi đã thưởng thức thì đều phải gật gù vì hương vị độc đáo của món ăn này. Sâu tre được coi là thực phẩm sạch, lại chỉ có theo mùa nên thực khách đến đây chúng tôi đều gợi ý nên ăn thử và được thực khách khen ngon. Sâu tre ngon nhất khi rang giòn với lá chanh, cuốn lá lốt chấm cùng nước măng chua hoặc nước mắm nguyên chất.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/mon-ngon-tu-sau-tre-3175123.html