Môn Lịch sử thành môn học bắt buộc: Tiếp tục tranh cãi nảy lửa!
Theo các chuyên gia, những lý do đưa ra để đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc chưa thực sự thuyết phục.
Triết lý chương trình có bị bóp méo?
Sáng 23/5, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội về quy định Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục THPT. Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, còn ý kiến trái chiều về việc đưa Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. “Việc này có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường” - ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.
Trước đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng thông tin, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân, quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Môn Lịch sử thành môn học bắt buộc sẽ gây xáo trộn lớn.
Với những ý kiến như trên, việc tranh cãi về môn Lịch sử là tự chọn hay bắt buộc đã gần như “hạ hồi phân giải”. Tuy nhiên, sau khi những ý kiến trên được báo chí đăng tải thì lại có những ý kiến trái ngược.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Toàn bộ kiến thức cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới đã được dạy học bắt buộc ở cấp học THCS. Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này”.
Bà Thúy còn cho rằng: “Nếu sửa thì trong bối cảnh này có phù hợp hay không, khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, hay lại là “đẽo cày giữa đường”. Đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét thật kỹ”.
Theo các chuyên gia giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản (5 năm tiểu học và 4 năm THCS) nhằm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (3 năm THPT) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông.
Riêng đối với môn Lịch sử, nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.
Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Còn ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử là nội dung chuyên sâu. Học sinh không học thiên về khoa học xã hội vẫn có thể lựa chọn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ nghề nghiệp mà các em lựa chọn.
Bàn về Chương trình phổ thông mới, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới 2018 cho rằng, cấp học bắt buộc phổ cập chỉ hết lớp 9. Trong chương trình phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9 học sinh được học đầy đủ các kiến thức cơ bản, cốt lõi. Còn ở bậc THPT là cấp học không phải ai cũng học. Ở bậc học này, người học đi vào các ngành nghề lựa chọn. Học sinh định hướng ngành nào thì học theo các môn phù hợp ngành đó. Hiện có 3 nhóm ngành để học sinh lựa chọn. Riêng môn Lịch sử, học sinh học theo chuyên các môn KHXH thì học 3 tiết/tuần, còn học không chuyên thì 2 tiết/tuần.
Không nên tô đậm môn Lịch sử hơn các môn học khác
Đưa quan điểm liên quan đến tranh cãi về môn Lịch sử, thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm không tán thành với quan điểm bắt buộc học môn Lịch sử chỉ vì đây là môn học giáo dục lòng yêu nước.
“Quan điểm dạy học môn Lịch sử để giáo dục lòng yêu nước là quá coi trọng môn Lịch sử mà không nghĩ đến các môn học khác” – thầy Hòa nhấn mạnh.
Theo vị này, giáo dục lòng yêu nước thì có nhiều môn học có chức năng này. Mỗi môn có cách giáo dục khác nhau. Trong thời kỳ chiến tranh trước đây, giáo dục lòng yêu nước, đi vào con tim khiến hàng triệu thanh niên xung phong vào chiến trường lại là môn âm nhạc. Thế hệ thanh niên trước đây khi được nghe những bài hát cách mạng làm rung động đến trái tim và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Vị này cho rằng: “Việc nói không học môn Lịch sử ở bậc THPT mà lo giảm bớt lòng yêu nước, đất nước có nguy cơ là không đúng. Nhiều môn học đều có ý nghĩa trong giáo dục lòng yêu nước như Giáo dục Công dân, Địa lý, Văn học, Giáo dục Quốc phòng, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Hiện nay, Giáo dục Quốc phòng là môn học bắt buộc, học sinh được học về lịch sử quốc phòng, học lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, học cách để biết sau này làm chiến sĩ bảo vệ đất nước. Nếu lấy tiêu chí giáo dục lòng yêu nước thì nhiều môn học đều có tác dụng và có ý nghĩa ngang nhau cho nên không thể nói môn nào hơn môn nào”.
Một vấn đề đặt ra lúc này theo thầy Nguyễn Văn Hòa là việc lấy Lịch sử làm môn bắt buộc thì chủ trương giáo dục toàn diện sẽ thực hiện thế nào. “Môn nào tự nhiên trội lên đi đầu thì đương nhiên các môn khác bị coi thường. Môn nào cũng nói tôi quan trọng nhất trong giáo dục lòng yêu nước là không phải. Ở bậc THPT, theo Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục thì phải thiết kế làm sao để học sinh bắt đầu đi vào hướng nghiệp. Việc định hướng nghề nghiệp thì có môn phải ít, có môn phải nhiều tùy theo nghề nghiệp các em hướng tới” – thầy Hòa nêu quan điểm.
Thầy Hòa cũng khẳng định, khi môn Lịch sử là môn tự chọn không có nghĩa các em bỏ, không học. Riêng ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm có hơn 80% học sinh chọn lịch sử. Chỉ có một vài lớp ở ban khoa học tự nhiên không lựa chọn vì các em định hướng theo ngành nghề khoa học kỹ thuật.
“Theo tôi, duy trì học môn Lịch sử tự chọn ở bậc THPT là hợp lý. Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới toàn diện giáo dục là cách sâu sắc nhất, tuyệt vời nhất. Còn bây giờ nếu thay đổi môn Lịch sử thì nó sẽ làm xộc xệch, mất cân đối, hài hòa “bức tranh” tổng thể của chương trình phổ thông 2018. Việc nhấn mạnh, tô đậm môn học nào đó quá mức thì “bức tranh” tổng thể không còn hài hòa nữa”- Thầy Hòa nêu ý kiến.
Cũng theo thầy Hòa, môn Lịch sử muốn thu hút học sinh lựa chọn thì phải thay đổi cách dạy học, cách thi. Còn đừng vì lấy lý do giáo dục lòng yêu nước mà bắt học sinh học môn Lịch sử bởi trong chương trình còn nhiều môn học khác có chức năng này. Ngoài ra, tại các nhà trường phổ thông còn các chương trình trải nghiệm, hoạt động tập thể khác nữa cũng lồng ghép để giáo dục tư tưởng cho các em.
“Không lo môn Lịch sử thành môn học tự chọn thì lòng yêu nước sẽ bị mai một” - thầy Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh.