Mộc Châu vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nông dân thị xã Mộc Châu từng bước thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó, hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Nông dân phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu mở rộng diện tích trồng dâu tây.

Nông dân phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu mở rộng diện tích trồng dâu tây.

Mô hình sản xuất mới hiệu quả

Rải vụ là giải pháp đang được nông dân thị xã Mộc Châu nhân rộng, để kéo dài thời gian thu hoạch, giảm áp lực tiêu thụ, nâng cao giá bán, tăng thu nhập. Tại phường Cờ Đỏ, thời điểm này, nhiều diện tích trồng mận chính vụ mới đang trong giai đoạn dưỡng trái non, thì tại vườn mận của gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh, tổ dân phố Pa Khen đã có quả mận chín sớm cho thu hoạch, với giá bán 50.000-100.000 đồng/kg, cao hơn nhiều lần so với giá mận chính vụ.

Thăm vườn mận của gia đình, anh Hạnh chia sẻ: Gia đình tôi, đang áp dụng kỹ thuật rải vụ cho 4 ha mận, cho thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau. Để làm được điều đó, năm 2023, tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, đảm bảo nguồn nước tưới và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây. Cùng với đó, tôi phải lựa chọn những gốc mận đủ tuổi, đủ điều kiện ra hoa, kết quả sớm; lựa thời điểm tỉa cành, bón phân đúng cách để mận ra quả trái vụ. Bằng kỹ thuật rải vụ, giúp tôi không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó; với giá bán trung bình đạt 60.000 đồng/kg, cao hơn gấp 3 lần so với mận chính vụ.

Nông dân phường Đông Sang, thị xã Mộc Châu trồng cà chua trong nhà lưới.

Nông dân phường Đông Sang, thị xã Mộc Châu trồng cà chua trong nhà lưới.

Còn tại phường Đông Sang, hiện có hơn 200 ha trồng rau màu. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều năm nay, các HTX, hộ nông dân đầu tư làm nhà lưới, nhà kính, mua thiết bị, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để sản xuất rau trái vụ. Chị Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố Tự Nhiên, phường Đông Sang, cho biết: Tôi đã đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc rau, giúp gia đình chủ động sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường và hạn chế được những tác động tiêu cực của thời tiết. Với 1 ha trồng cà chua và bắp cải trái vụ, so sánh về hiệu quả kinh tế, trồng rau trái vụ cho thu nhập cao gấp 3 lần so với trồng chính vụ, nhờ đó, gia đình tôi thu về hơn 500 triệu đồng/năm từ trồng rau trái vụ.

Cây cam đường canh được đưa vào trồng ở Mộc Châu cũng đã chứng minh hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống. Được đưa vào trồng từ năm 2015, đến nay tổ dân phố Thái Hòa, phường Cờ Đỏ đã có hơn 100 ha cam. Chị Nguyễn Thị Hiên, tổ dân phố Thái Hòa, cho biết: Từ trồng thử nghiệm 300 cây cam đường canh ban đầu, sau một năm chăm sóc thấy cam phát triển tốt, ít sâu bệnh, có triển vọng, tôi quyết định mở rộng diện tích trồng cam. Đến nay, gia đình tôi có vườn cam hơn 1 ha, sản lượng đạt 25-30 tấn/ha, giúp gia đình thu hơn 1,3 tỷ đồng/năm.

Hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thị xã Mộc Châu tập trung lãnh đạo đưa công nghệ cao và sản xuất hữu cơ vào nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.

HTX nông nghiệp Dũng Tiến, phường Vân Sơn, thị xã Mộc Châu đầu tư phần mềm điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt qua điện thoại thông minh.

HTX nông nghiệp Dũng Tiến, phường Vân Sơn, thị xã Mộc Châu đầu tư phần mềm điều khiển hệ thống tưới nhỏ giọt qua điện thoại thông minh.

Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, cho biết: Hiện thực hóa mục tiêu của đề án, cấp ủy, chính quyền thị xã Mộc Châu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai, thường xuyên, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan, đơn vị, xã, phường, các doanh nghiệp, HTX trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao và sản xuất hữu cơ. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Lựa chọn cây trồng mới gắn với áp dụng công nghệ trong sản xuất đã đem lại những thay đổi về lượng và chất ở Mộc Châu. 10 năm trước cây dâu tây được đưa vào trồng ở Mộc Châu, đến nay, đã khẳng định là cây trồng thế mạnh. Bình quân 1 ha cho sản lượng khoảng 15 tấn quả, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Với giá trị của cây dâu tây mang lại, nhiều hộ đã đầu tư phát triển trồng loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ trồng thử nghiệm vài ha, đến nay, thị xã Mộc Châu có gần 130 ha dâu tây, tập trung chủ yếu ở phường Đông Sang, Mường Sang và Mộc Sơn.

Anh Nguyễn Văn Hòa, tổ dân phố Nà Bó 1, phường Mường Sang, cho biết: Dâu tây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhưng cũng là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm bón. Bởi vậy, ngay từ khâu chọn giống cây trồng, tôi đều chủ động ươm và trồng trong hệ thống nhà màng, nhà lưới; sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, bón phân tự động, để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Gia đình tôi có gần 3 ha dâu tây, vụ năm nay thu hơn 40 tấn quả, bán được gần 2 tỷ đồng.

Nông dân phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu chăm sóc cây mận ra qua rải vụ.

Nông dân phường Cờ Đỏ, thị xã Mộc Châu chăm sóc cây mận ra qua rải vụ.

Bức tranh toàn cảnh nông nghiệp huyện Mộc Châu ngày càng đa sắc, với hơn 11.400 ha cây ăn quả, gần 3.000 ha rau, hơn 2.100 ha chè. Các doanh nghiệp, HTX, hộ dân chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất với 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 610 ha; 141 cơ sở đầu tư nhà kính, nhà lưới với diện tích hơn 100 ha; hơn 1.120 ha cây ăn quả, rau màu các loại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 24 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 80 triệu đồng.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những nỗ lực, sáng tạo, thay đổi tư duy trong sản xuất của nông dân, đã tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Mộc Châu trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước xây dựng Mộc Châu trở thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/moc-chau-vung-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-ieKurgJNR.html