Mộc bản triều Nguyễn là tài liệu tin cậy quý giá cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam
Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ (AFCP) tài trợ dự án 'Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới'. Qua đó, đã xử lý bảo tồn thành công hàng trăm tấm mộc bản xuống cấp. Tại lễ khánh thành dự án, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper khẳng định: 'Mộc bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu tin cậy quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam'.
Chiều 25/5, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khánh thành Dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới”, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, do AFCP tài trợ.
Tham dự lễ khánh thành, có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, tùy viên văn hóa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh; Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng và chuyên gia Việt Nam trong bảo tồn di sản gỗ, lãnh đạo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (TP Đà Lạt).
Bảo đảm khả năng khai thác thông tin của mộc bản
Theo trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới”, chính thức được AFCP thông qua vào năm 2020, với trị giá 88.209 USD, nhằm bảo tồn 500 tấm mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Dự án đã được thực hiện thành công, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều cán bộ lưu trữ tay nghề cao và giàu kinh nghiệm.
Thời gian qua, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số đề án lớn nhằm bảo tồn mộc bản triều Nguyễn, nhưng do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, các hoạt động của nấm và côn trùng qua nhiều thế kỷ, nên vẫn còn nhiều vấn đề cần sự tham gia, đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc kéo dài tuổi thọ của tài liệu này.
Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, thành công lớn nhất của dự án, không chỉ xử lý bảo tồn 500 tấm mộc bản triều Nguyễn đã xuống cấp, mà quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý di sản và người dân trong việc bảo tồn di sản, giúp rèn luyện kỹ năng bảo quản mộc bản cho cán bộ phụ trách bảo quản mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.
Kể từ khi khoản tài trợ được thông qua, nhóm kỹ thuật đã tiến hành khảo sát, xác định, đánh giá mức độ hư hỏng của 500 tấm mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV. Năm 2021, nhóm kỹ thuật đã tiến hành xử lý bảo tồn 500 tấm mộc bản bị mủn mục nêu trên.
Theo đánh giá, tất cả 500 tấm mộc bản đã được xử lý kỹ lưỡng bởi phương pháp tương tự xử lý mộc bản tiêu chuẩn đã được nghiên cứu, sử dụng tại nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… giúp ngăn chặn sự suy thoái của mộc bản, tăng độ cứng, bảo đảm khả năng khai thác thông tin (sử dụng và in ấn); góp phần vào việc phục chế, gia nhập tài liệu mộc bản.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper cho biết, từ năm 2001, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam 16 dự án, với tổng giá trị hơn 1,2 triệu USD, góp phần bảo tồn di sản văn hóa đa dạng và độc đáo của Việt Nam, trong đó có dự án bảo tồn mộc bản triều Nguyễn.
Theo Đại sứ Marc E. Knapper, bảo tồn di sản văn hóa chỉ là một trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước. Trong các lĩnh vực khác, như thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng, an ninh… Hoa Kỳ và Việt Nam luôn đồng hành vì một cam kết chung về hòa bình và thịnh vượng.
Ông gửi lời khen ngợi đến tất cả mọi người đã tham gia dự án, chúc mừng dự án thành công và hy vọng dự án sẽ giúp mộc bản được duy trì trong nhiều năm. Ông cho rằng, đây là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ đối tác vững mạnh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Di sản tư liệu vô giá
Mộc bản Triều Nguyễn là di sản văn hóa, lịch sử và khoa học đặc biệt quý hiếm, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới năm 2009. Đây là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam.
Mộc bản triều Nguyễn là những tài liệu đặc biệt, viết bằng chữ Hán Nôm khắc ngược trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở thời kỳ phong kiến Việt Nam và còn lưu giữ được đến ngày nay.
Mộc bản Triều Nguyễn phần lớn được khắc in dưới triều Nguyễn, trong đó có một số ván khắc có niên đại từ trước thời Nguyễn. Nội dung của tài liệu Mộc bản rất phong phú và đa dạng, phản ánh các lĩnh vực lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự… từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn.
Mộc bản triều Nguyễn là loại hình tài liệu đặc biệt về hình thức, nội dung và phương thức chế tác; được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới. Đây là nguồn tài liệu tin cậy quý giá phục vụ cho việc học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Đại sứ Marc E. Knapper
Tài liệu mộc bản là những bộ biên niên sử được biên soạn và khắc in rất công phu. Ngoài giá trị về mặt sử liệu, tài liệu mộc bản còn có giá trị về nghệ thuật chế tác, thể hiện sự phát triển nghề khắc in bản gỗ của nền văn minh, văn hóa nhân loại.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Nguyễn Xuân Hùng cho biết, hiện mộc bản triều Nguyễn đang lưu giữ tại Trung tâm, bộ sưu tập gồm 34.555 mộc bản. Qua nhiều quá trình chuyển giao, hiện tài liệu mộc bản triều Nguyễn được Trung tâm bảo quản trong kho chuyên dụng hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay và được khử trùng định kỳ, theo dõi nấm mốc thường xuyên.
Tuy nhiên, cùng với yếu tố lịch sử, số mộc bản này đã bị giảm sút cả về chất lượng và số lượng, do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên, khí hậu nhiệt đới, chiến tranh, lũ lụt, các hoạt động của nấm và côn trùng qua nhiều thế kỷ.
Qua quá trình hợp tác nghiên cứu, thực hiện dự án “Bảo tồn khẩn cấp Mộc bản triều Nguyễn-Di sản Tư liệu thế giới” cùng các chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, chuyên gia Việt Nam về bảo tồn gỗ di sản, cho biết, bảo tồn gỗ khảo cổ là một vấn đề khó ở Việt Nam. Điều này là do các phương pháp bảo quản chung không thể áp dụng cho các loại gỗ nhiệt đới của Việt Nam, do đó cần phải có phương pháp xử lý bảo quản thích hợp. Nghiên cứu tiền khả thi này nhằm thiết lập công nghệ bảo quản phù hợp cho tài liệu mộc bản triều Nguyễn.
Năm 2007, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã khai trương và mở cửa Khu trưng bày tài liệu lưu trữ. Sau đó hai năm, trung tâm đã tiến hành biên soạn sách“Mộc bản Triều Nguyễn - Đề mục tổng quan”, dưới dạng sách điện tử và sách in để công bố, giới thiệu tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn với các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.