Mở khóa tiềm năng đổi mới: Vì sao trình độ tiếng Anh là yêu cầu chiến lược?
Tiếng Anh là chìa khóa để tiếp cận tri thức khoa học và công nghệ toàn cầu, hợp tác nghiên cứu và đổi mới quốc tế, hiểu tài liệu kỹ thuật, hệ thống AI, cạnh tranh trong thị trường việc làm toàn cầu.
Trong bài viết của mình, tác giả Ratnesh Jha, Tổng Giám đốc toàn cầu mảng sản phẩm tổ chức, Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) nhận định, tham vọng của Việt Nam chưa bao giờ rõ ràng và cấp thiết như hiện nay. Với việc ban hành Nghị quyết 57, quốc gia đã cam kết thúc đẩy các đột phá về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Trọng tâm của tầm nhìn này là một mục tiêu táo bạo: trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, với nền kinh tế số chiếm 50% GDP và đưa Việt Nam vào top 30 quốc gia đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới.
Nhưng phía sau mọi tham vọng quốc gia vĩ đại luôn là yếu tố cốt lõi: con người, cụ thể là những người có kỹ năng phù hợp để dẫn dắt sự thay đổi, thích ứng và hội nhập toàn cầu. Một yếu tố then chốt nổi bật: năng lực tiếng Anh.
Chất xúc tác cho đổi mới và hội nhập toàn cầu
Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố quan trọng trong giáo dục và thị trường lao động toàn cầu. Tuy nhiên, thứ hạng năng lực tiếng Anh của Việt Nam đứng thứ 63 toàn cầu và thứ 8 tại châu Á, lại đang là vấn đề đáng quan tâm. Trong bối cảnh khoa học, tiêu chuẩn kỹ thuật và hợp tác quốc tế chủ yếu diễn ra bằng tiếng Anh, khoảng cách ngôn ngữ này có thể cản trở đà tiến của Việt Nam.

Tiếng Anh là chìa khóa để tiếp cận tri thức khoa học và công nghệ toàn cầu (ảnh minh họa)
Tác giả Ratnesh Jha nhận định, Việt Nam đang hành động bằng việc Bộ Chính trị đã xác định tiếng Anh là công cụ then chốt cho hội nhập quốc tế. Bộ Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đang hướng tới việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học từ nay đến 2035. Đây không chỉ là cải cách giáo dục mà là một yêu cầu kinh tế cấp bách.
Báo cáo Tiến bộ Con người 2025 của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (ETS) cho thấy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về cải thiện hàng năm trong Chỉ số Tiến bộ Con người, bao gồm: Tăng 8.9 điểm về tiếp cận giáo dục; Tăng 8.7 điểm về tiếp cận nâng cao kỹ năng; Tăng 8.8 điểm về cơ hội thăng tiến xã hội. Điều này cho thấy Việt Nam là quốc gia tiến bộ nhanh nhất về phát triển giáo dục và nghề nghiệp, vượt cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Anh.
Báo cáo cũng cho thấy, rằng 29% người Việt Nam tham gia xác định giao tiếp là kỹ năng bền vững thiết yếu – một kỹ năng mà tiếng Anh đóng vai trò trọng yếu. Ngoài ra 82% người lao động muốn đánh giá chuẩn mực kỹ năng của họ với đồng nghiệp trong ngành; 88% xem vi chứng nhận là yếu tố then chốt cho thành công nghề nghiệp trong tương lai. Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về quan tâm đến phát triển và thử nghiệm kỹ năng AI. Những số liệu này cho thấy rõ: Việt Nam không chỉ chuẩn bị cho tương lai, mà đang bứt tốc để đón đầu.
Vai trò của tiếng Anh trong nền kinh tế dựa trên kỹ năng
Nghị quyết 57 ưu tiên xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu và đổi mới. Nhưng để đạt được điều này, không chỉ cần kỹ năng chuyên môn – mà còn cần giao tiếp, hợp tác và thích nghi – những kỹ năng được khuếch đại bởi trình độ tiếng Anh.
Tiếng Anh là chìa khóa để tiếp cận tri thức khoa học và công nghệ toàn cầu, hợp tác nghiên cứu và đổi mới quốc tế, hiểu tài liệu kỹ thuật, hệ thống AI, cạnh tranh trong thị trường việc làm toàn cầu.
Trong thị trường việc làm hiện nay, khả năng cạnh tranh phụ thuộc vào sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn và năng lực con người bền vững — đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam, nơi mà mức độ cạnh tranh đang gia tăng nhanh chóng. Nhu cầu về các chứng chỉ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), sáng tạo và giao tiếp đang ngày càng tăng, đặc biệt trong giới trẻ và các chuyên gia trẻ tuổi.
Từ “sẵn sàng thi” đến “sẵn sàng cho tương lai”
Sự tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong giáo dục, nâng cao kỹ năng và hội nhập toàn cầu phản ánh một cam kết mạnh mẽ về xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai. Việc mở rộng dạy tiếng Anh ở cấp trung học, gia tăng hợp tác quốc tế giữa các trường đại học và chương trình nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp, nhu cầu về các kỹ năng ngôn ngữ thực tế đang tăng tốc ở mọi giai đoạn của quá trình học tập đến việc làm.
Tuy nhiên, để biến cơ hội thành tác động bền vững, sinh viên và các nhà chuyên môn cần nhiều hơn là sự luyện thi – họ cần khả năng sử dụng tiếng Anh thực tế, tự tin giao tiếp trong môi trường toàn cầu và có bằng chứng xác thực cho năng lực của mình.
Mục tiêu của Việt Nam theo Nghị quyết 57 là hoàn toàn khả thi, nhưng chỉ khi chất lượng nguồn nhân lực bắt kịp tham vọng quốc gia. Điều này đòi hỏi phải tích hợp tiếng Anh vào cốt lõi của chương trình đổi mới quốc gia.
Hãy biến tiếng Anh không chỉ là một môn học mà là một công cụ thực tế và mạnh mẽ để giúp người trẻ Việt Nam trình bày ý tưởng với đối tác toàn cầu, đóng góp cho nghiên cứu quốc tế, và dẫn dắt trong một thế giới của AI và chuyển đổi số. Khi Việt Nam xây dựng tương lai, hãy đảm bảo người dân có đủ kỹ năng để tận dụng những cơ hội phía trước.