Mô hình kinh tế cho người tự kỷ

Đến thăm VAPs (Vietnam Autism Projects) - mô hình kinh tế cho người tự kỷ do anh Nguyễn Đức Trung sáng lập, nằm trên đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, chúng tôi khá ấn tượng bởi sự đón tiếp nhiệt tình của các bạn nhân viên đều là người mắc hội chứng tự kỷ.

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình là Xuân Tùng (30 tuổi), người đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại đây. Công việc chính của Tùng là bán hàng ở thư viện và giúp đỡ các nhân viên khác tính tiền tại VAPs.

Ngay tầng một là siêu thị mini, được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp với đầy đủ mặt hàng thiết yếu. Siêu thị do bạn Quang Anh phụ trách. So với các nhân viên khác, Quang Anh khá nhanh nhẹn và có khả năng giao tiếp tốt hơn nên được làm việc ở tầng một để thuận tiện đón khách. Theo chân anh Tùng lên tầng hai, là không gian nhà hàng được trang trí đầy màu sắc trông rất bắt mắt, phụ trách bởi Quốc Hưng và Quang Minh. Tuy bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ nhưng cả hai lại rất cẩn thận, tỉ mỉ. Những chiếc pizza thơm ngon và ly cà phê béo ngậy do hai anh chế biến hấp dẫn cả các khách hàng khó tính nhất. Di chuyển tiếp lên tầng ba là thư viện chuyên cho thuê mượn và bán đủ các loại sách được phụ trách bởi Khôi Nguyên. Còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé rất hoạt ngôn và năng động.

Không gian siêu thị và hiệu sách ở VAPs.

Sau một vòng tham quan, chúng tôi trở lại trò chuyện với anh Nguyễn Đức Trung, hơn 35 tuổi và đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, anh rất tâm huyết với những mô hình kinh tế giúp người tự kỷ có công việc ổn định và hòa nhập với cộng đồng.

Nói về cơ duyên thực hiện mô hình kinh tế cho người tự kỷ, anh Nguyễn Đức Trung cho biết, năm 2017, anh có dịp tiếp xúc với một số bạn nhỏ bị mắc hội chứng tự kỷ. Anh cảm thấy tò mò về thế giới riêng của họ và tự đặt ra câu hỏi: “Người tự kỷ là như thế nào?”; “Hội chứng tự kỷ có nguy hiểm không?”; “Sau này, khi trẻ tự kỷ lớn thì các bạn ấy sẽ làm được gì?”… Từ những thắc mắc của bản thân, anh bắt tay vào tìm hiểu và ấp ủ ý định làm việc gì đó có thể đưa người tự kỷ đến gần hơn với cộng đồng.

Anh Nguyễn Đức Trung phân công công việc cho các nhân viên ở VAPs.

Qua quá trình nghiên cứu, anh Trung đã quyết định triển khai mô hình VAPs để giúp mọi người hiểu thêm về giá trị lao động của người tự kỷ. Nhân viên của VAPs được anh Trung tổ chức hướng dẫn, đào tạo làm những công việc như: Dọn dẹp; kiểm kê hàng hóa; làm bánh pizza… Những công việc này đối với nhiều người không quá phức tạp nhưng với người tự kỷ lại là cả một quá trình dài nỗ lực. Nhớ lại những ngày mới xây dựng mô hình, anh Trung cho hay, thời gian đầu do chưa nắm bắt được hết tâm lý của người tự kỷ nên quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn. Sự hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp cùng những kiến thức xã hội cơ bản là rào cản lớn trong quá trình hướng nghiệp và dạy nghề cho người tự kỷ. Vì vậy, mới có những tình huống như: Phải làm đi làm lại nhiều lần mới có một chiếc pizza hoàn hảo; pha cà phê thì đổ vỡ ly tách hay nhầm lẫn trong thanh toán hóa đơn…

Nhân viên chuẩn bị bàn để phục vụ khách đến nhà hàng.

Dù đã từng chịu không ít tổn thất về kinh tế nhưng không vì vậy mà anh Trung nản chí. Khắc phục vấn đề trên, anh Trung đã nghiên cứu, tìm hiểu thêm về tâm lý người tự kỷ và các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ đã có trên thế giới qua sách báo và internet. Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp liên hệ với gia đình có con tự kỷ, lắng nghe chia sẻ của phụ huynh và quan sát sinh hoạt thường ngày của các bạn. Trường hợp của bếp trưởng Quốc Hưng ở VAPs là một ví dụ. Anh Trung cho biết, Hưng từng tham gia học tại một số trung tâm dành cho người tự kỷ ở Hà Nội, nhưng kết quả không mấy khả quan. Hưng vẫn chậm chạp, rụt rè và ngại giao tiếp. Sau khi được giới thiệu đến VAPs làm việc, Hưng đã dần tự tin, giao tiếp nhiều hơn. Để tiến bộ như vậy, không biết bao lần Hưng làm hỏng pizza, đĩa salad của nhà hàng. Thế nhưng sau nhiều ngày tháng luyện tập, cùng với sự chỉ dạy tỉ mỉ của anh Trung, Quốc Hưng đã làm được những chiếc pizza nóng hổi, chuẩn vị, được khách hàng đánh giá rất ngon và đẹp mắt, giúp nhà hàng tăng doanh số mỗi ngày. Giờ đây, Hưng đã tự tin đảm nhận vai trò bếp trưởng của nhà hàng tại VAPs. Hưng tâm sự: “Trước đây, tôi là người rất ngại giao tiếp. Được làm việc tại VAPs tôi cảm thấy rất vui vẻ, cởi mở hơn. Tôi có nhiều bạn bè và được mọi người tôn trọng”.

Từ khi hoạt động đến nay, VAPs đã đón tiếp gần 9.000 khách hàng. Theo anh Trung cho biết, kinh phí hoạt động và lương trả cho nhân viên được tính theo sản phẩm. Là người sáng lập và phát triển VAPs, anh Trung mong muốn mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ trong tương lai sẽ ngày càng mở rộng, phát triển, lan tỏa để nhiều người biết đến và có cái nhìn tích cực hơn về người tự kỷ.

THU HOÀI - DIỆU HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mo-hinh-kinh-te-cho-nguoi-tu-ky-776332