Mô hình bác sĩ gia đình nên đặt tại cơ sở y tế tuyến nào?

Sau 31 lần lấy ý kiến để xây dựng Thông tư hướng dẫn về mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ), Bộ Y tế kỳ vọng, trong thời gian ngắn tới, sẽ triển khai mô hình này tại 11.000 trạm y tế trên cả nước.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt kỳ vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ triển khai mô hình BSGĐ cho 11 nghìn trạm y tế trên cả nước. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt kỳ vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ triển khai mô hình BSGĐ cho 11 nghìn trạm y tế trên cả nước. Ảnh: VGP

Năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2014/TT-BT hướng dẫn thí điểm về BSGĐ và phòng khám BSGĐ. Sau ba năm triển khai, mô hình này mới triển khai tại 8 tỉnh, thành trên cả nước và đang tiếp tục được sửa đổi nhằm nhân rộng, phát triển khám, chữa bệnh y học gia đình.

Ngày 8/11, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức hội thảo xây dựng Thông tư hướng dẫn thí điểm về mô hình BSGĐ. Sau 30 lần lấy kiến để xây dựng Thông tư trước đó, nhiều ý kiến lần này băn khoăn vấn đề nên đưa mô hình BSGĐ vào cơ sở y tế tuyến nào trên cả nước.

Theo Dự thảo Thông tư do Bộ Y tế đang xây dựng, mô hình này sẽ được triển khai ở các cơ sở y tế tuyến 2 (tuyến tỉnh, thành phố), tuyến 3 (tuyến huyện, quận, thị xã) và tuyến 4 (tuyến xã, phường, thị trấn).

Đề xuất này khác với mô hình BSGĐ ở các nước trên thế giới hiện nay. Các nước khác, mô hình BSGĐ tập trung làm ở tuyến y tế cơ sở gần dân nhất là tuyến 4, mỗi BSGĐ, phòng khám BSGĐ sẽ quản lý sức khỏe một bộ phận dân cư nhất định.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nếu áp dụng mô hình phòng khám BSGĐ tại bệnh viện tuyến 2, 3 thì sẽ khó phát triển BSGĐ tại trạm y tế xã vì người dân có xu hướng lên khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở cao hơn do danh mục kỹ thuật, thuốc và phạm vi được hưởng nếu có BHYT sẽ cao hơn. Vì vậy, bà Trần Thị Trang đề xuất nên đầu tư mô hình BSGĐ cho tuyến xã.

BSCK II Khúc Minh Cảnh, Phó Trưởng bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Dược Cần thơ thì cho biết, để mô hình BSGĐ tại bệnh viện của các trường đại học sẽ không hợp lý. Bộ Y tế nên tận dụng lực lượng có sẵn để đào tạo BSGĐ.

Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện nay ở Mỹ cũng triển khai mô hình có BSGĐ ở các cơ sở tuyến trên. Khi các bác sĩ ở tuyến dưới không đủ năng lực để xử lý, sẽ có sẵn mô hình BSGĐ ở tuyến trên đón nhận bệnh nhân để người bệnh yên tâm.

Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, nên nhất quán quan điểm về cấp văn bằng, chứng chỉ thống nhất cho BSGĐ. Theo đó, cần phải cấp chứng chỉ hành nghề riêng với phạm vi là bác sĩ y học gia đình. Cần phải có quy định cụ thể về phạm vi được chỉ định kỹ thuật, kết luận chẩn đoán, kê đơn của BSGĐ theo phạm vi đa khoa để thuận tiện cho thanh toán BHYT.

Bên cạnh đó, nếu chỉ quy định cứng mô hình này trong tuyến 4 với trạm y tế xã và phòng khám BSGĐ thì sẽ không phát triển được nhiều kỹ thuật. Do đó, nên quy định theo hướng cơ sở được thực hiện kỹ thuật tuyến trên nhưng phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép hoạt động.

Sau 31 lần lấy ý kiến để xây dựng Thông tư, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đặt kỳ vọng trong thời gian ngắn nhất, sẽ triển khai mô hình BSGĐ cho 11.000 trạm y tế trên cả nước. Theo đó, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe thuận tiện hơn, tiết kiệm cả về kinh phí và thời gian đi lại do không phải di chuyển lên tuyến trên.

Theo định nghĩa từ phía Bộ Y tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa được đào tạo về y học gia đình, là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, liên tục cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình bao gồm hai hình thức tổ chức là: Trạm y tế xã, phường, thị trấn và tương đương hoạt động theo nguyên lý y học gia đình; phòng khám bác sĩ gia đình (thuộc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa huyện; trung tâm y tế huyện; trung tâm y học gia đình thuộc trường đại học chuyên ngành y; trung tâm bác sĩ gia đình tư nhân) và phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/mo-hinh-bac-si-gia-dinh-nen-dat-tai-co-so-y-te-tuyen-nao/321370.vgp