Mỏ dầu suy kiệt và hành động của PVN
Trong những năm qua, PVN đã phát triển, khai thác nhiều mỏ dầu khí mới, đảm bảo cung cấp phần lớn nhiên liệu cho hoạt động lọc dầu trong nước.
Đưa nhiều mỏ mới vào khai thác
Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng sản lượng khai thác dầu khí trong 5 năm (2016-2020) đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, trong đó khai thác dầu đạt 71,27 triệu tấn. Trong số 71,27 triệu tấn này, khai thác trong nước đạt 61,45 triệu tấn, bằng 122,9% so với quy hoạch giai đoạn 2016-2020; nước ngoài đạt 9,82 triệu tấn, bằng 98,2% so với quy hoạch.
Những năm qua, PVN tiếp tục tích cực thăm dò, tìm kiếm các mỏ mới trong bối cảnh các mỏ dầu đang dần cạn kiệt.
Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí đang là lĩnh vực cốt lõi được PVN triển khai rộng rãi không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới. Nhờ các hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí hiệu quả mà PVN triển khai, Việt Nam từ một quốc gia hoàn toàn không có công nghiệp dầu khí đã trở thành nước có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 28 thế giới, có khả năng làm chủ được tất cả các công nghệ tiên tiến nhất.
Đầu năm 2020, Petrovietnam đã phát hiện trữ lượng khí lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam ở mỏ khí Kèn Bầu, tại lô 144, cách bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 6 hải lý, góp phần tăng thêm khoảng 28-36% tổng trữ lượng khí đốt, 9% đến 11,36% trữ lượng dầu mỏ quốc gia. Đây được coi là một phát hiện quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngành dầu khí bản chất là ngành đa quốc gia. Hợp tác quốc tế, xuất nhập khẩu dầu, khí, các thiết bị, vật liệu phục vụ sản xuất là một khâu tất yếu và rất quan trọng của ngành. PVN đang hợp tác với nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia trong các khâu khai thác, vận chuyển dầu - khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí.
Theo đánh giá của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là một trong những lĩnh vực có hợp tác quốc tế rất sôi động với sự tham gia của các công ty dầu khí quốc gia, các tập đoàn dầu khí nước ngoài đến từ Ấn Độ (ONGC), Liên bang Nga (Zarubezhneft, Gazprom, Rosneft), Hàn Quốc (KNOC, SKI, LG, Daesung, Daewoo, Huyndai,...), Nhật Bản (JX NOEX, MOECO, Idemitsu, Teikoku Oil, JOGMEC), Thái Lan (PTTEP), Malaysia (Petronas), Italia (Eni), Anh ( Premier Oil, Perenco, Pharos...), Pháp (Geopetrol), Hoa Kỳ (ExxonMobil, Murphy), Úc (Jadestone)...
Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2022, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí có sự giảm sút rõ rệt với việc chỉ ký được thêm 3 hợp đồng dầu khí mới, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã buộc phải rút khỏi hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác tại Việt Nam, khối lượng công việc và số lượng các mỏ, công trình dầu khí mới đưa vào khai thác ít hơn so với kế hoạch và so với giai đoạn 2011-2015.
Đa dạng hóa nguồn dầu thô phục vụ sản xuất
Theo báo cáo của PVN, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) được thiết kế để vận hành tối ưu với nguyên liệu 100% dầu Bạch Hổ có hàm lượng lưu huỳnh thấp (0,03wt%) hoặc 85% dầu Bạch Hổ trộn với 15% dầu Dubai. Tuy nhiên, từ khi BSR đưa vào vận hành vào năm 2010 đến nay, sản lượng khai thác dầu thô Bạch Hổ ngày càng giảm và hiện chỉ còn đáp ứng khoảng 30-40% công suất.
Trong hoàn cảnh đó, các năm qua, BSR liên tục đánh giá, chế biến thử nghiệm và bổ sung, thay thế bằng các nguồn dầu thô khác trong nước (Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông, Chim Sáo …) với tính chất gần với tính chất dầu Bạch Hổ, cũng như dầu thô nhập khẩu để có thể thu xếp đủ dầu thô phục vụ vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đến nay, ngoài dầu thô trong nước, BSR đã tổ chức nghiên cứu và chế biến thành công 20 loại dầu thô nhập khẩu khác (Rabi Blend, Azeri, Champion, Kaji+Seria, Labuan, Kimanis, Bonny Light, 2 Sokol, WTI,…).
Tính đến ngày 26/7/2023, tổng cộng có trên 82,9 triệu tấn dầu thô trong nước cung cấp cho BSR (chiếm 86% tổng lượng dầu thô nhập kho của BSR), góp phần rất lớn cho việc đảm bảo nguồn dầu thô cho BSR hoạt động liên tục, an toàn và ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô trong nước cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% nhu cầu sử dụng của nhà máy và dự kiến tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Do đó, trong các năm qua, BSR đã tổ chức mua dầu thô nhập khẩu để bù vào phần thiếu hụt còn lại (nhập khẩu 20-30%).
Dù vậy, để mua được dầu thô Việt Nam nhằm chủ động nguồn cung và tận dụng lợi thế về chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn vận hành BSR trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần có thêm cơ chế đặc thù cho phép BSR có thể mua tối đa dầu thô nội địa theo nhu cầu vận hành của Nhà máy góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.