Minh bạch xuất xứ hàng hóa là yêu cầu bắt buộc
Trong bối cảnh đang có nhiều yếu tố vĩ mô và pháp lý tác động đến hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách thích ứng, trong đó vấn đề minh bạch xuất xứ phải được đặt làm trọng tâm.

Minh bạch xuất xứ đang là yếu tố then chốt với ngành hàng dệt may
Các chuyên gia cho rằng, bất kể trong trường hợp nào, doanh nghiệp phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa nước thứ 3 “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Bởi vì đây là vấn đề kỳ nhạy cảm với thương mại quốc tế, và nếu không kiểm soát tốt, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với các rắc rối và thiệt hại. Do đó việc minh bạch hóa xuất xứ và quản lý chuỗi cung ứng là yêu cầu bắt buộc.
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần tăng tỉ lệ nội địa hóa khi hiện tại, hơn 70% giá trị xuất khẩu là từ khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Do đó, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa.
Còn ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, với ngành gỗ, để tăng tỉ lệ nội địa hóa nguyên liệu cũng như chứng minh xuất xứ không khó, khi nguyên liệu gỗ trong nước chiếm gần 60%. Tuy nhiên, các nguyên phụ liệu như vải, đệm, kim khí... hiện vẫn nhập khẩu nên cần tăng cường nội địa hóa ở nhóm này. “Ngoài ra, ngành gỗ cũng có thể tăng nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ (350 triệu USD trên tổng số 2 - 2,2 tỉ USD nhập khẩu hằng năm) để chế biến xuất khẩu về Mỹ”, ông Phương nói thêm.
Với ngành dệt may, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành Công ty CP Kết nối thời trang (Faslink) lại nhấn mạnh, đây cơ hội để doanh nghiệp định vị lại mình, chuẩn bị tâm thế thay đổi, cùng hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, hợp tác với doanh nghiệp FDI tăng hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc. “Tại Faslink, thời gian qua công ty đã chủ động minh bạch chuỗi cung ứng, đi theo xu hướng thời trang bền vững, nhiều công năng”.
Phát triển bền vững không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục, doanh nghiệp cần có sự kiên trì, từng bước thực hiện các giải pháp, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Những căng thẳng thuế quan, các biện pháp phòng vệ, cùng rủi ro gian lận thương mại và yêu cầu cao từ thị trường nhập khẩu, đang đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải chuyển biến tích cực hơn trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Để làm tốt việc này, doanh nghiệp rất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số.
Theo tiến sĩ Trịnh Bá Dương, Chủ tịch AseanHub, nếu các doanh ngiệp Việt xem công nghệ là chìa khóa, thì truy xuất nguồn gốc phải là cánh cửa để mở ra một nền thương mại minh bạch. Do đó, doanh nghiệp cần những giải pháp có tính đột phá thực sự, dựa trên tích hợp công nghệ thông minh và liên kết chuỗi dữ liệu số hóa. Chính vì vậy, cần kết hợp cả 3 công nghệ số là RFID (công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến) – Blockchain (chuỗi khối) – AI (Trí tuệ nhân tạo). Như vậy sẽ tạo nên một hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chính xác, minh bạch và tự động, đủ sức đối phó với mọi hình thức gian lận thương mại, trong đó có xuất xứ.
Tổng kết những vấn đề cần phải thực thi trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được khẳng định: “Đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhìn nhận ở góc độ tích cực, đây chính là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế. Phải nâng tỉ lệ sản phẩm "Made by Việt Nam" lên để tăng doanh thu, cùng với minh bạch nguồn gốc xuất xứ. Thành phố cũng cần đẩy mạnh ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số sang ngành mới có giá trị gia tăng cao hơn…".
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/minh-bach-xuat-xu-hang-hoa-la-yeu-cau-bat-buoc-162961.html