Miên man hội hè
Hơn 8 nghìn lễ hội mỗi năm theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày độ hai chục đám hội to nhỏ đủ cả.
Tháng Giêng trôi cái vèo trong khung cảnh gần như lặp lại ở hầu khắp các chùa chiền, đền miếu: hàng nghìn, hàng vạn người chen chúc, áo quần úi xùi, đầu đội, lễ miệng lẩm nhẩm kêu cầu.
Ba năm bị kìm kẹp do dịch bệnh, tưởng đâu tư duy lễ hội của người Việt sẽ thay đổi ít nhiều. Vậy mà chỉ chờ dịch lắng xuống, khắp nơi thông báo mở hội trở lại. Vạn người, triệu người hồ hởi trẩy hội như chưa từng sống qua thời dịch nhiều thương đau. Ban tổ chức lễ hội Yên Tử dự đoán tròm trèm một triệu du khách về non thiêng trong năm 2023. Lượng khách về chùa Hương cũng không kém cạnh, riêng ngày khai hội mùng 6 Tết đã có 4 vạn người hành hương, len lỏi xuống động Hương Tích chật ních. Thói quen, tập quán cắm rễ, ăn sâu bao đời nay chưa dễ gì lung lay.
Khổ ở chỗ tháng Giêng giờ đây hóa ra là tháng chạy sô đi hội. Hầu khắp lễ hội lớn (được nâng cấp hoặc tự mở rộng bằng sự thổi phồng tính thiêng) dồn hết vào tháng Giêng, có những lễ hội kéo dài những ba tháng. Lễ hội truyền thống xưa kia thường là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gói gọn trong làng, tổng nay nhờ giao thông thuận tiện mà người Việt “chạy marathon” khắp chốn. Mùng 6 tháng Giêng thường đánh dấu ngày trở lại công sở, nhà máy sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cũng là ngày nhiều địa phương chạy đua khai hội. Nào chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc, Hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội chém lợn, Lễ hội đền Cổ Loa… Suốt tháng Giêng không ngày nào ngớt cảnh khai hội, rước xách và đi liền là miên man bất cập.
Hơn trăm năm trước, cụ Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục đã phê cái tục hội hè ở ta: “Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình. Đã đành mở hội, trước là trọng việc sự thần, sau là cầu vui cho dân, nhưng trọng mà rước xách tế bái lắm thì hóa ra khổ. Hội đến hàng tháng thì chịu làm sao cho được…”.
So với thời của cụ Phan, sự biến tướng, méo mó của nhiều lễ hội ngày nay vượt xa. Sau những năm đứt đoạn do chiến tranh, nhiều nơi thi nhau phục dựng lễ hội. Bên cạnh mục tiêu gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống, một bộ phận người tổ chức giương cao ngọn cờ phục dựng lễ hội để trục lợi. Nhiều người trông chờ lễ hội để đẻ thêm dịch vụ, “chặt chém” du khách, để thu tiền công đức, cúng dường.
Phú quý sinh lễ nghĩa, dân có của ăn của để nhiều hơn sẽ chăm chút đời sống tinh thần, tâm linh bằng cách thi nhau đi lễ đầu năm - cứ nơi nào có lễ hội ắt có nơi để họ kêu cầu, xin xỏ. Đành rằng có thờ có thiêng có kiêng có lành, nhưng lễ hội dần xa rời hệ giá trị văn hóa vốn có, sa đà vào nạn buôn thần bán thánh, thương mại hóa.
Không kể tới sự tốn kém bạc tiền chi cho những chuyến cúng lễ ấy, thiệt hại dễ thấy nhất ở chỗ một bộ phận người Việt đang xao lãng, bê trễ công việc.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mien-man-hoi-he-post1506487.tpo