Mất mùa vải, người trồng mong được giá

Vụ vải thiều năm nay được dự báo sản lượng có thể giảm 40%-50% so với năm ngoái nhưng nông dân kỳ vọng giá sẽ tăng gấp 2-3 lần

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ (TP HCM), thông tin công ty này vừa xuất khẩu lô hàng vải thiều chín sớm đầu tiên bằng đường máy bay tới thị trường Úc với khối lượng 1 tấn. "Dự kiến, trong tuần này hoặc chậm nhất tuần sau, người tiêu dùng Úc sẽ được thưởng thức những trái vải thiều đầu tiên của Việt Nam" - ông cho biết.

Giá thu mua cao gấp đôi

Theo ông Mai Xuân Thìn, lô hàng đầu tiên của vụ vải thiều năm nay sẽ thăm dò thị trường, nếu giá cả và chất lượng được đánh giá cao, đối tác sẽ đặt thêm. Để hạ giá thành, những đơn sau khi vào chính vụ, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức vận tải biển.

Trước thực tế vải chính vụ năm nay mất mùa, ông Mai Xuân Thìn cho hay doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch đơn hàng. Không tiết lộ cụ thể giá thu mua vải thiều, song lãnh đạo Rồng Đỏ cho biết cung giảm, giá sẽ tăng. "Rồng Đỏ sẽ là người mua góp phần cho chợ đông, được giá hơn" - vị này khẳng định.

Những vườn vải thiều chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch

Những vườn vải thiều chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch

Tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), các nhà cân, thương lái đã tổ chức thu mua vải để phân phối đi thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (huyện Tân Yên), cho biết còn khoảng 5 ngày nữa, HTX mới chính thức thu hoạch vải thiều chín sớm, sản lượng dự kiến 450 tấn. Cách đây hơn 1 tháng, HTX Phúc Hòa đã ký 2 đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá 35.000 đồng/kg (1 đơn 50 tấn và 1 đơn 20 tấn).

"Mức giá trên khá thấp bởi bây giờ vải của người dân đã được thu mua với giá là 35.000-40.000 đồng/kg. Trong khi đó, vải thiều của HTX quả to, chín đẹp dự kiến phải bán với giá 50.000 đồng/kg" - ông Thiết nhận định. Tuy thua thiệt về giá so với kỳ vọng, song ông Nguyễn Văn Thiết cho biết HTX vẫn giao hàng cho đối tác theo đúng hợp đồng để "giữ mối" năm khác.

Theo Giám đốc HTX Vải sớm Phúc Hòa, với mức 35.000-50.000 đồng/kg, giá vải thiều sớm cao gấp đôi so với năm ngoái (năm ngoái chỉ quanh mức 20.000 đồng/kg).

Ông thông tin thêm những ngày gần đây, rất nhiều thương lái Trung Quốc liên tục liên hệ với HTX để ngỏ ý đến Bắc Giang lấy hàng. Tuy vậy, do còn vài ngày nữa mới thu hoạch nên ông chưa mời họ sang.

Tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), nông dân Vũ Văn Mến (thôn Đồng Giao) cho hay ước sản lượng vải chín sớm của gia đình khoảng 1 tấn. Đến giờ, nhiều thương lái ngỏ ý mua song ông chưa ký hợp đồng. Ông Mến kỳ vọng giá năm nay sẽ cao hơn tương đối so với năm ngoái.

Khách hàng giật mình khi nhận báo giá

Tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương; quê hương của vải thiều), vải chín sớm dự kiến vào vụ từ ngày 25-5 với mức giá được một số thương lái, doanh nghiệp dự kiến cao gần gấp đôi năm ngoái.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, thông tin khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, doanh nghiệp sẽ tiến hành xuất khẩu những lô vải thiều đầu tiên tới thị trường Úc, châu Âu. Năm nay, doanh nghiệp dự định mở thêm các thị trường ở châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, New Zeland; đồng thời đẩy mạnh phân phối qua sàn thương mại điện tử, TikTok, phân khúc quà tặng cao cấp...

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ vải thiều năm nay mất mùa do thời tiết không thuận, nắng nóng vào mùa Đông sau đó lại rét đậm, mưa ẩm kéo dài khiến hoa ra nhưng không thụ phấn.

Tuy sản lượng giảm, song Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định: "Không lo bởi nguồn cung thấp thì giá sẽ cao, người nông dân vẫn có thể thu được lợi nhuận".

Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, nếu giá quá cao khiến việc đàm phán gặp nhiều khó khăn. Tổng Giám đốc Ameii chia sẻ đến thời điểm này, khách hàng của công ty rất nhiều nhưng vẫn vướng khâu chốt giá. Nguyên nhân do vải thiều năm nay mất mùa nên nông dân kỳ vọng giá quá cao.

Tuy vậy, thế khó của doanh nghiệp là đàm phán với khách hàng. "Nhiều khách hàng thắc mắc, giật mình khi doanh nghiệp báo giá cao quá, thành ra chúng tôi lại phải giải thích để họ hiểu. Chưa kể, vải thiều của Việt Nam "không phải một mình một chợ" mà còn phải cạnh tranh với Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Mexico" - bà Ngô Thị Thu Hồng nói.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ nhận định khi giá lên, công ty sẽ điều chỉnh tăng theo thị trường để 2 bên hợp tác vui vẻ. Tuy nhiên, nếu giá quá cao, khách hàng quốc tế khó cạnh tranh.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2024, vải thiều của địa phương được đánh giá có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, dự báo sản lượng đạt 100.000 tấn, trong đó sản lượng vải sớm khoảng 50.000 tấn, vải chính vụ 50.000 tấn.

Riêng huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có 3.282 ha vải, trong đó vải sớm khoảng 1.900 ha, còn lại là vải thiều chính vụ. Theo đánh giá sơ bộ, năm nay sản lượng vải của huyện ước khoảng 22.000-22.000 tấn.

Theo những người trồng vải lâu năm ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nguyên nhân khiến vải thiều năm nay mất mùa là do thời tiết. Đúng vào thời điểm cây vải thiều ra hoa, gặp thời tiết bất lợi, mà người trồng vải lâu năm hay gọi là "mưa acid", đã khiến những cây vải mới chớp hoa đã bị lụi hết. Sau đó, cây vải thiều "im lìm" không ra lộc cũng chẳng ra hoa.

Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thông tin năm nay nguy cơ sản lượng vải thiều sụt giảm 45%-50% so với năm ngoái. Năm 2023, Bắc Giang đạt sản lượng 215.000 tấn, năm nay ước tính chỉ đạt trên dưới 100.000 tấn.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mat-mua-vai-nguoi-trong-mong-duoc-gia-196240523204240558.htm