Mánh khóe lập khống hồ sơ rút tiền của nữ Hiệu trưởng và kế toán mầm non ở Hải Dương
Để giải quyết các khoản nợ và có kinh phí chi cho các hoạt động chung nhà trường cũng như quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên; Nga đã câu kết, chỉ đạo kế toán lập khống các loại hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Vũ Thị Nga (SN 1968, trú tại thôn Kinh Trang, xã Thái Dương) và Lê Thị Lộc (SN 1986, trú tại thôn Quàn, xã Bình Xuyên, cùng Bình Giang) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; đồng thời ra lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của các bị can nói trên.
Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố bắt giam, bị can Vũ Thị Nga là Hiệu trưởng và Lê Thị Lộc là Kế toán trường Mầm non Nhân Quyền (huyện Bình Giang).
Quá trình điều tra của cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Giang xác định, để chuẩn bị cho việc đón trường Mầm non Nhân Quyền đạt chuẩn Quốc gia năm 2018, Vũ Thị Nga với vai trò là Hiệu trưởng đã tự ý thuê thợ về sửa chữa, lắp đặt các trang thiết bị cho trường dẫn đến việc nợ nần kéo dài, không chi trả được.
Để giải quyết các khoản nợ và có kinh phí chi cho các hoạt động chung nhà trường (các khoản chi ngân sách không hỗ trợ) cũng như quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên; Nga đã câu kết, chỉ đạo và cho phép Lộc lập khống các loại hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trước khi bước vào năm học mới, lãnh đạo trường Mầm non Nhân Quyền đã họp riêng với nhau và lựa chọn 12 giáo viên tham gia công tác điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2019-2020 (gồm 11 giáo viên và 1 Phó hiệu trưởng phụ trách). Sau đó, bà Nga tổ chức họp toàn trường để triển khai nội dung này đến giáo viên.
Tại Nghị quyết cuộc họp lãnh đạo trường và quy chế chi tiêu nội bộ của trường Mầm non Nhân Quyền năm 2019 xác định, có 12 giáo viên được phân công làm công tác điều tra phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong 2 ngày (7/8 và 8/8/2019). Mỗi giáo viên làm công tác điều tra phổ cập sẽ được hỗ trợ 150 nghìn đồng/1 ngày từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành công việc, Hiệu trưởng trường Mầm non Nhân Quyền không thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với những người có trong danh sách thực hiện công tác phổ cập theo quy định. Cùng với đó, để rút được tiền từ ngân sách nhà nước, kế toán nhà trường Lê Thị Lộc đã lập khống hồ sơ, chứng từ đối với 19 người không tham gia công tác điều tra phổ cập, nhưng lại có tên trong danh sách nhận tiền.
Sau khi lập khống danh sách giáo viên hưởng chế độ hỗ trợ tham gia điều tra phổ cập, Lộc chuyển cho Hiệu trưởng ký duyệt. Vũ Thị Nga cũng đồng ý để cho Lộc lên Kho bạc Nhà nước huyện Bình Giang nộp hồ sơ làm thủ tục rút tiền. Với thủ đoạn trên, năm 2019, Lộc đã lập khống hồ sơ rút tổng số 16,8 triệu đồng từ ngân sách nhà nước. Số tiền này, Lộc không chi cho giáo viên mà giữ lại, quản lý để chi cho các hoạt động chung của trường.
Cũng theo cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Giang, trong quá trình điều tra, đơn vị còn phát hiện hiệu trưởng cùng kế toán có hành vi lập khống chứng từ chi trả công bảo vệ nhà trường.
Theo đó, từ tháng 1/2019, Vũ Thị Nga đã ký hợp đồng thuê ông Nguyễn Thừa Hưng (SN 1952, trú tại xã Nhân Quyền) làm bảo vệ cho trường với mức lương thực tế 2,3 triệu đồng/1 tháng. Cùng thời điểm này, ngân sách nhà nước cấp cho các trường chi trả tiền thuê bảo vệ là 3 triệu đồng/1 tháng, nên Nga đã ký 2 hợp đồng với ông Hưng.
Cụ thể, Vũ Thị Nga ký 1 hợp đồng thuê ông Hưng làm bảo vệ với mức lương 2,3 triệu đồng/1 tháng và 1 hợp đồng thuê ông Hưng làm bảo vệ với mức lương 3 triệu đồng/1 tháng. Với hợp đồng thuê 3 triệu đồng/1 tháng, Nga chuyển cho Lộc để kế toán nhà trường lập chứng từ rút tiền từ ngân sách nhà nước.
Từ hợp đồng này, Lộc đã lập khống hồ sơ, chứng từ để rút tiền từ ngân sách nhà nước chi trả lương bảo vệ từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2021. Sau đó, Lộc chuyển đến Kho bạc Nhà nước huyện Bình Giang rút số tiền 3 triệu đồng/1 tháng (lớn hơn số tiền chi thực tế 700 nghìn đồng/1 tháng).
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2021, Nga và Lộc đã lập khống hồ sơ rút tiền từ ngân sách nhà nước trong việc trả lương bảo vệ 24,5 triệu đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước và các cá nhân do hành vi phạm tội của các đối tượng gây ra hơn 37,7 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của các bị can đã trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và lợi ích hợp pháp của các cá nhân.
Hiện vụ án đang được cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Giang tiếp tục điều tra, làm rõ.