Mảnh hồn Hà Nội xưa

Dường như càng lớn tuổi, người ta càng hay nghĩ về 'ngày xưa'. Đó có thể là những kỷ niệm đẹp, cũng có thể là một khoảng không gian mà bây giờ chỉ còn là hoài niệm...

Ảnh mẹ tôi chụp tại vườn đào Nhật Tân dịp Tết 1963

Ảnh mẹ tôi chụp tại vườn đào Nhật Tân dịp Tết 1963

Với tôi, ngày xưa chính là ngõ Phất Lộc, con ngõ nhỏ xíu thông từ ngã ba Hàng Bạc - Hàng Mắm - Hàng Bè sang phố Nguyễn Hữu Huân, lượn vuông góc như hình một chiếc ê-ke mà đỉnh góc vuông chính là đình Phất Lộc, đền Tiên Hạ với bầu rượu lớn ở trên mái cổng. Con ngõ nhỏ đại diện cho ký ức của tôi bởi ở đó có những tháng ngày ấm êm hoa mộng, và cũng bởi ở đó có những nếp sống đại diện cho văn hóa Hà Nội xưa, nay không tìm lại được.

Hồi tôi còn nhỏ, trong ngõ Phất Lộc nơi gia đình tôi sinh sống từ mấy đời, có một bà tên là bà Hạch, chuyên đi gói bánh chưng thuê cho cả ngõ. Cứ gần đến Tết, nhà nào muốn gói bánh phải đặt lịch trước với bà. Nhà tôi thường đặt bà gói vào tối 28 tháng Chạp để sau đó luộc bánh ngay trong đêm. Buổi chiều giáp Tết rét căm căm, bà lững thững đi sang nhà tôi, mặc áo bông dầy.

Trang phục mặc Tết của phụ nữ Hà Nội xưa (bà ngoại tôi ngoài cùng, bên trái, hàng đứng) (1950)

Trang phục mặc Tết của phụ nữ Hà Nội xưa (bà ngoại tôi ngoài cùng, bên trái, hàng đứng) (1950)

Khi bà gói bánh, cả nhà ngồi xúm quanh để xem. Sau khoảng một giờ, chừng hai chục cái bánh chưng vuông thành sắc cạnh đã được xếp vào một cái mâm đồng to. Khi bà về rồi, bố tôi bắc bếp ở ngoài sân. Cả đêm hôm đó, cụ tôi và bà ngoại tôi thay nhau trông lửa. Khi bắt đầu đun, cụ tôi úp ngược cái nắp xuống và đặt lên đó một thau đồng đựng nước. Thau nước đè nặng cái nắp làm cho khít hơn, lại có sẵn nước nóng để tiếp thêm khi nước trong nồi không còn ngập bánh. Cụ tôi bảo phải tiếp bằng nước nóng thì mới không ảnh hưởng đến chất lượng bánh, gạo mới chắc và dền ngon...

Sự có mặt của bà Hạch và nồi bánh chưng bên bếp lửa mở đầu cái Tết trong gia đình tôi.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Cứ nghĩ đến Tết, trong tâm trí tôi bao giờ cũng hiện lên hình ảnh con ngõ Phất Lộc nho nhỏ lát đá, có các bà các cô mặc áo dài vừa đi bộ từ chợ hoa Hàng Lược về. Tiếng nói cười dịu nhẹ, những tà áo nền nã, mùi nhang thơm từ đình Phất Lộc tỏa ra cùng tiếng chuông thỉnh nhẹ tựa khói sương… Và trên tay mọi người là rực rỡ những đào, dơn, violet, thược dược… Những âm thanh và sắc màu hạnh phúc!

Ngày Tết, tôi nhớ dường như nhà nào trong ngõ Phất Lộc cũng bày biện tương tự nhau. Ở giữa nhà kê một chiếc bàn vuông, trên đó là lọ lộc bình to cắm cành đào bích. Trên bàn để tiếp khách đặt một lọ hoa đủ màu sắc, cắm lẫn hoa thược dược và hoa violet… Riêng ở nhà tôi, nghi thức đón Tết bao giờ cũng bắt đầu từ gian giữa của tầng hai - nơi đặt ban thờ tổ tiên.

Ban thờ của nhà tôi được làm rất đẹp, được chạm khắc rất tinh vi, sơn son thếp vàng toàn bộ, ở giữa chạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên là tích “tùng cúc trúc mai”.

Mẹ và cụ tôi đi lễ chùa cầu an sáng mùng Một tết (1952)

Mẹ và cụ tôi đi lễ chùa cầu an sáng mùng Một tết (1952)

Một gói hoa cúng giá chỉ vài hào. Gấp tấm lá dong riềng khum khum, người bán bốc hoa như người ta bốc thang thuốc bắc. Hoa theo mùa thường có 5-7 loại, chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiếc lá dong, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa tết thành cái quai để xách. Tôi nhớ mãi dáng bà ngoại chầm chậm, khoan thai mở gói hoa, một mùi hương dìu dịu tỏa ra... Ngày Tết trời thường lạnh, lúc này hoa khan hiếm dần người bán gói độn thêm bông dâm bụt, thậm chí cả hoa găng có chùm quả vàng rất đẹp mắt. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt tinh khiết vô cùng.

Bà tôi mở gói hoa thả từng bông vào chậu nước mưa cho sạch bụi rồi xếp lên chiếc đĩa men lam, kính cẩn dâng lên ban thờ. Hương hoa quyện với khói hương trầm tạo thành mùi hương linh thiêng, khó phai giống như sợi dây nối ta về với miền ký ức xa xưa, nơi có tổ tiên, ông bà với niềm thành kính, biết ơn... Cả một không gian tâm linh phảng phất mùi hương của các loài hoa quyện với hương trầm ngan ngát thật an yên.

Cứ gần đến tết, cụ tôi huy động mọi người dọn dẹp nhà cửa, bao sái bàn thờ. Lúc đó, do còn nhỏ nên tôi được nhận việc nhẹ nhàng là lấy tro bếp, vắt vài quả chanh vào trộn lên thành một nguyên liệu để đánh bóng toàn bộ đồ đồng trong nhà. Xong việc, ông ngoại tôi sẽ lên phố Hàng Mã mua bánh pháo và hai bức tranh Đông Hồ để dán hai bên cánh cửa. Ngày đó, nổi tiếng nhất có pháo Trúc Bạch. Bánh pháo Trúc Bạch có 180 quả pháo tép và năm quả pháo đùng chỉ to bằng ngón tay út. Còn tranh Đông Hồ, ông mua hai bức, một bức là tranh bé trai ôm gà trống, bức thứ hai là tranh bé gái ôm cá chép, thể hiện ước mong một cuộc sống đại cát, đại lợi.

Ba ngày Tết êm đềm như mơ

Sáng mùng Một, ông tôi hẹn trước một người đến xông đất. Người được chọn phải là người có cuộc sống lương thiện, gia đình êm ấm thuận hòa, con cái phương trưởng… Khoảng tám giờ, khách gõ cửa, ông tôi ra đón, đồng thời cầm theo cây sào dài có buộc sẵn bánh pháo Trúc Bạch và châm lửa đốt. Pháo nổ rất giòn vì trước đó đã được sấy kỹ trên nắp nồi bánh chưng. Xác pháo rải khắp vỉa hè và trước thềm cửa nhà tôi thành một lớp màu hồng nhìn như hoa gấm.

Xác pháo hồng được để nguyên trong ba ngày tết không được quét đi, bởi dường như đó cũng là dấu hiệu của không khí vui mừng.

Khoảng chín giờ, sau khi người xông đất ra về, là đến bà Tấn gánh nước vào. Năm nào cũng vậy, cụ tôi hẹn trước với bà về việc này nên mọi chuyện diễn ra rất nhịp nhàng. Khách vừa về là bà đi vào, gánh theo một gánh nước đầy trong vắt, vừa đi vừa nói cười vui vẻ: “Năm mới, chúc nhà ta năm nay khỏe mạnh, lộc vào như nước như non!”. Bà đổ gánh nước vào bể nước nhà tôi, xong ra ngoài nhà uống chén trà thơm do cụ tôi trao tận tay cùng một bao lì xì đỏ chói. Xong, bà lại quảy gánh sang nhà khác.

Tới mười giờ sáng, đến bà bán muối, bà bán hoa gói đi qua. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, theo quan niệm của ông bà xưa, việc mua muối đầu năm giúp gia đình xua đuổi được mọi xui xẻo, tà ma trong năm cũ và chào đón may mắn, tài lộc trong năm mới. Hai gói hoa, cụ tôi bày lên bàn thờ gia tiên để thắp hương sáng mùng Một.

Xong tất cả những việc đó, ông tôi đóng cửa lại, cả nhà quay vào làm cỗ cúng. Sáng mùng Một nhà tôi giống như mọi nhà, không tiếp khách. Dường như hàng xóm cũng ngầm hiểu với nhau, không ai sang nhà nhau vào ngày mùng Một nếu không được mời từ trước.

Mâm cỗ cúng thường có thịt gà, canh măng khô nấu chân giò, miến, canh bóng, giò lụa, bánh chưng, đĩa rau sống. Sẽ có thêm bát dưa góp hoặc hành muối để ăn cùng bánh chưng cho đỡ ngán. Cuối cùng món không thể thiếu của nhà tôi là nem rán. Món này ông ngoại tôi rất thích và trở thành món không thể thiếu trong mọi bữa cỗ.

Xong xuôi mọi việc, khoảng hai giờ chiều, cụ tôi và mọi người trong gia đình chuẩn bị đi lễ chùa cầu an.

Tại mỗi đền chùa, cụ thắp nén hương, đặt gói hoa lên đĩa, khấn vái rồi bỏ chút tiền “giọt dầu” vào hòm công đức. Nghi lễ rất thanh tịnh. Tuyệt nhiên, tôi không thấy rút quẻ, đốt vàng mã hay mâm cao cỗ đầy gì như bây giờ.

Sau khi mọi người đi lễ chùa về thì đều ở nhà. Ông ngoại tôi mở cửa để tiếp khách, hoặc đi chúc tết hàng xóm xung quanh. Lũ trẻ chúng tôi thì ào ra cửa nô đùa, nhặt những quả pháo lép để đốt cho xì khói, cùng nhau cười như nắc nẻ…

Sang mùng Hai, mâm cơm thắp hương ngoài thịt gà, có bánh chưng, giò, chả, đĩa bóng xào với súp lơ, đậu Hà Lan non, canh măng thay bằng canh miến.

Mùng Ba, coi như hết Tết, gọi là ngày hóa vàng. Ngoài những món như hôm trước, món đặc biệt của ngày này sẽ là món bún thang. Làm bún thang là một quá trình cầu kỳ, từ phần chuẩn bị đến nấu. Ước tính phải cần đến 20 nguyên liệu mới đủ để làm bún thang.

Năm nào thì món ăn ngày Tết của gia đình tôi cũng vậy. Những món ăn đơn giản nhưng ngon tuyệt, cả nhà cùng vui vẻ thưởng thức trong thời tiết se lạnh và màn mưa bụi giăng như tơ của Hà Nội. Sau bữa ăn hóa vàng ấy, bàn thờ được dọn dẹp sạch sẽ. Tiền, vàng mã trên bàn thờ đều được đem hóa hết. Rượu cúng trên bàn thờ cũng được đem vẩy vào chỗ hóa vàng. Mọi người trong nhà đều tự nhủ: hãy bắt đầu một năm mới học hành và làm việc thật tốt, để tết năm sau có chuyện để kể cùng nhau...

Ban thờ của nhà tôi được làm rất đẹp, được chạm khắc rất tinh vi, sơn son thếp vàng toàn bộ, ở giữa chạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên là tích “tùng cúc trúc mai”.

Hữu Lộc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/manh-hon-ha-noi-xua-1789868.tpo