Mạnh dạn đổi mới, đầu tư công nghệ phù hợp

Theo các chuyên gia, để thích ứng với làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phải mạnh dạn chủ động đổi mới, đầu tư công nghệ phù hợp để sản xuất thông minh, giúp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Chớp thời cơ, tham gia chuỗi cung ứng

Là một doanh nghiệp lớn có chiến lược đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía nam thông qua nhiều mô hình đầu tư liên kết, đại diện Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) chia sẻ, với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Điều này góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.

Xu hướng dịch chuyển cung ứng cho thấy, không một nhà sản xuất nào có thể tự mình tự sản xuất toàn bộ các bộ phận, linh kiện của một sản phẩm; việc tổ chức sản xuất gia công bên ngoài đi kèm đó là những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, thậm chí chuyển giao công nghệ… có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc hợp tác chia sẻ đơn hàng cũng như kinh nghiệm, quản trị còn giúp doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác trưởng thành hơn, chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm.

Để chớp lấy thời cơ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, THACO Industries đã chủ động sản xuất và tiến tới liên kết, tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp, những đối tác có thể giúp hãng tăng khả năng hấp thu các đơn hàng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ, thời gian. Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đình trệ và đơn hàng bị dồn ứ, sự liên kết này đã giúp THACO Industries giải quyết nhu cầu tăng vọt, giải tỏa áp lực sản xuất tại một thời điểm. Quan trọng hơn, đây là hướng đi phát triển tất yếu của sản xuất mở rộng.

Theo số liệu cập nhật từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đến hết tháng 8.2022, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% tham gia cung cấp cho cả hai.

Lắp ráp, sản xuất xe ô tô tại Nhà máy Thaco Mazda
Nguồn: ITN

Tiên phong tận dụng lợi thế

Song song với việc chớp thời cơ tham gia chuỗi cung ứng, không ít chuyên gia cho rằng, giai đoạn này, doanh nghiệp buộc phải mạnh dạn đầu tư, tự đổi mới mình, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dưới góc độ một tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) Phạm Văn Tài đã nêu kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới sáng tạo với hoạt động sản xuất công nghiệp. Tập đoàn ứng dụng công nghệ phù hợp với quy mô sản xuất, trình độ và xu thế của thời đại. Đồng thời, áp dụng chuyển đổi số với lộ trình phù hợp thực tiễn sản xuất kinh doanh, nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng.

Theo đó, THACO đã đầu tư một số nhà máy thông minh ở Chu Lai như nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; nhà máy sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa và ứng dụng công nghệ số. Sản phẩm ôtô của tập đoàn có đầy đủ chủng loại mang thương hiệu quốc tế và thương hiệu THACO với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam, trong đó tỷ lệ nội địa hóa xe du lịch là 22% - 40%, xe tải trên 45% và xe buýt trên 60%. Đặc biệt, dự án tự động hóa quy trình sản xuất nhíp ô tô, tiến tới xây dựng nhà máy thông tin cũng mang lại hiệu quả. Nhờ dự án này, mức tự động hóa của nhà máy tăng từ 25% lên trên 82%, năng suất tăng lên 20%, giảm giá thành sản phẩm và lan tỏa sang các nhà máy khác trong hệ thống.

Tuy nhiên, có một thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực tự mình xây dựng và phát huy hiệu quả các hạ tầng sử dụng chung để phục vụ sản xuất thông minh. Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, Chủ tịch Công ty Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (IBP), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh, việc sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua nhưng chỉ một số ít các doanh nghiệp tiên phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra nhiều giá trị, mang lại lợi ích thiết thực, bền vững cho khách hàng, người lao động, xã hội và môi trường.

Điều đó đòi hỏi, cần có ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất thông minh với việc hình thành các bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số và sản xuất thông minh theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất thông minh.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/manh-dan-doi-moi-dau-tu-cong-nghe-phu-hop-i302090/