Măng tre núi Cấm vào mùa, mỗi ngày thu hoạch hàng chục tấn

Sau những cơn mưa đầu mùa, người dân sống tại khu vực núi Cấm, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, lại rộn ràng bước vào mùa măng tre Mạnh Tông.

Người dân thu hoạch măng tre. Ảnh: Dương Việt Anh

Người dân thu hoạch măng tre. Ảnh: Dương Việt Anh

Đối với người dân sinh sống tại khu vực núi Cấm, cây tre Mạnh Tông mang ý nghĩa quan trọng. Không chỉ cung cấp nguyên liệu xây dựng và đồ dùng hàng ngày, cây tre Mạnh Tông còn làm nên nền tảng kinh tế cho nhiều hộ nông dân ở đây, nhờ việc bán măng trong thời gian mùa mưa đến.

Địa hình của núi Cấm có độ dốc nhẹ, nền đất pha cát giàu chất dinh dưỡng cây cối tại đây luôn xanh tươi quanh năm. Ngoài các loại cây ăn trái như bơ, mít, mãng cầu, xoài, sầu riêng, chuối và rau củ… khu vực này còn có sự phát triển của cây tre Mạnh Tông.

Tre Mạnh Tông mọc khỏe, có giá trị kinh tế cao. Mùa măng tre Mạnh Tông bắt đầu từ tháng 4, tháng 5, đạt đỉnh vào tháng 6 và tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Dương Việt Anh

Tre Mạnh Tông mọc khỏe, có giá trị kinh tế cao. Mùa măng tre Mạnh Tông bắt đầu từ tháng 4, tháng 5, đạt đỉnh vào tháng 6 và tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Dương Việt Anh

Những ngày tháng 8, không khí trên núi Cấm trở nên rộn ràng và tất bật. Từ sáng sớm, những chuyến xe thồ và đoàn người gánh mướn vội vã chuyển măng xuống núi để kịp giao cho khách hàng. Mỗi ngày, lượng măng tươi chuyển xuống chân núi dao động từ 1 đến 3 tấn, trong những ngày cao điểm, con số này có thể lên tới hàng chục tấn.

Mỗi ngày, lượng măng tươi chuyển xuống chân núi dao động từ 1 đến 3 tấn, trong những ngày cao điểm, con số này có thể lên tới hàng chục tấn. Ảnh: Dương Việt Anh

Mỗi ngày, lượng măng tươi chuyển xuống chân núi dao động từ 1 đến 3 tấn, trong những ngày cao điểm, con số này có thể lên tới hàng chục tấn. Ảnh: Dương Việt Anh

Trong quá trình canh tác cây tre Mạnh Tông, người dân không cần tốn nhiều chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sau khoảng thời gian trồng từ 2-3 năm, cây tre Mạnh Tông đã có thể cho thu hoạch măng. Mỗi bụi tre có thể cho năng suất khác nhau, với mỗi mục măng có trọng lượng từ 2-6kg.

Tại các vựa thu mua nông sản dưới chân núi Cấm, từ sáng sớm, cảnh mua bán trở nên tấp nập và nhộn nhịp. Theo chị Trần Mỹ Linh, chủ vựa măng Tư Ân ở chân núi Cấm, hàng ngày chị thu mua từ 7 đến 10 tấn măng, sau đó bán cho các thương lái tại Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Campuchia và các chợ trong khu vực.

Mùa măng tre Mạnh Tông mang lại thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Dương Việt Anh

Mùa măng tre Mạnh Tông mang lại thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Dương Việt Anh

Giá măng tươi tại vùng này dao động theo thời điểm thu hoạch. Ở đầu mùa, khi lượng măng ít, giá măng tươi rất cao, từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm chính vụ, khoảng tháng 7 Âm lịch, khi nguồn cung nhiều hơn, giá măng giảm chỉ khoảng 6.000 đồng/kg.

Cây măng tre Mạnh Tông là nguồn tài nguyên đặc biệt của vùng đất Núi Cấm. Ảnh: Dương Việt Anh

Cây măng tre Mạnh Tông là nguồn tài nguyên đặc biệt của vùng đất Núi Cấm. Ảnh: Dương Việt Anh

Mùa măng tre Mạnh Tông không chỉ mang lại thu nhập cho các hộ nông dân trực tiếp canh tác, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong địa phương thông qua các công việc vận chuyển, sơ chế và xử lý măng. Mỗi ngày, mỗi lao động có thể kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, mặc dù thu nhập không cao nhưng đủ để trang trải cuộc sống cho những người lao động nghèo.

Măng tre được chế biến thành những món ăn. Ảnh: Dương Việt Anh

Măng tre được chế biến thành những món ăn. Ảnh: Dương Việt Anh

Mùa măng tre Mạnh Tông còn mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị khi đến vùng Bảy Núi. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động thu hoạch măng, học cách sơ chế măng và thưởng thức những món ăn được chế biến từ măng tươi.

Dương Việt Anh

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/mang-tre-nui-cam-vao-mua-moi-ngay-thu-hoach-hang-chuc-tan/