Lý giải xuất, nhập khẩu dịch vụ bất hợp lý

Mặc dù trong GDP, nhóm ngành dịch vụ đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba nhóm ngành, nhưng xuất khẩu dịch vụ lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Cần lý giải và có giải pháp để giảm bớt sự bất hợp lý này...

Xuất khẩu dịch vụ đã tăng liên tục qua các năm và đạt kỷ lục vượt qua mốc 20 tỷ USD vào năm 2019, năm trước đại dịch Covid-19. Sau đó bị giảm, nhưng đã tăng trở lại vào năm 2022, 2023. Nhập khẩu dịch vụ tăng liên tục, vượt qua mốc 21 tỷ USD vào năm 2019, sau đó bị giảm khi đại dịch xuất hiện và tăng trở lại trong 4 năm, trong đó năm 2023 đạt kỷ lục mới.

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BẤT HỢP LÝ

Mặc dù vậy, xuất, nhập khẩu dịch vụ có những bất hợp lý cần được lý giải cụ thể. Sự bất hợp lý thể hiện rõ nhất là chênh lệch giữa tỷ trọng trong GDP và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ chiếm 10,07% trong GDP, nhưng chỉ chiếm 5,22% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Tỷ trọng trong tổng GDP 2021 của nhóm ngành dịch vụ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới: thấp thứ 7/11 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 27/35 ở châu Á, thứ 92/105 trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam xuất phát điểm thấp, ngay cả về sản xuất hàng hóa còn thiếu hụt lớn, nên sản xuất sản phẩm dịch vụ mới được quan tâm hơn sau khi đổi mới, mở cửa, hội nhập. Trong một thời gian khá dài, nhiều dịch vụ vẫn còn do các đơn vị sản xuất, cơ quan hành chính, sự nghiệp kiêm nhiệm (như ăn trưa, bảo vệ, kho tàng, vệ sinh,…). Các tình trạng đó dẫn đến tỷ trọng dịch vụ trong GDP ở thứ hạng thấp.

Khi tỷ trọng trong GDP còn rất nhỏ, thì tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cũng rất nhỏ. Ngoài yếu tố sản xuất dịch vụ như trên, còn có các khoản trực tiếp của xuất khẩu dịch vụ (sẽ được đề cập ở dưới).

Sự bất hợp lý còn thể hiện ở nhập siêu dịch vụ (hình 2).

Mức nhập siêu của dịch vụ lớn, trong khi từ năm 2016 đến nay về hàng hóa đã ở vị thế xuất siêu. Mức nhập siêu trước đại dịch đã có xu hướng giảm còn dưới 1 tỷ USD vào năm 2019. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020 và bùng phát ở năm 2021, thì nhập siêu về dịch vụ bùng lên đến mức tính bằng tỷ USD đã ở mức hai chữ số. Tuy nhiên đến năm 2023, mức nhập siêu đã giảm mạnh còn bằng hai phần ba của năm trước, chủ yếu nhờ xuất siêu dịch vụ du lịch trở lại.

Tỷ lệ nhập siêu về dịch vụ so với xuất khẩu dịch vụ qua một số năm thể hiện ở hình 3.

Nếu tỷ lệ nhập siêu đã có xu hướng giảm từ năm 2015 đến năm 2019 (2019 chỉ còn 1 chữ số), thì từ khi đại dịch đã vọt lên quá 2-3 chữ số; đến năm 2023 mới giảm xuống.

Sự tăng/giảm về quy mô và tỷ lệ nhập siêu của dịch vụ là do từ các khoản dịch vụ, trong đó có 3 khoản đáng lưu ý: dịch vụ vận tải, dịch vụ du lịch và các dịch vụ còn lại.

Tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu, nhập siêu dịch vụ vận tải trong tổng xuất, nhập khẩu và nhập siêu dịch vụ trong một số năm thể hiện ở hình 4. Như vậy, dịch vụ vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản của xuất, nhập khẩu và nhập siêu dịch vụ.

Diễn biến xuất, nhập khẩu, nhập siêu dịch vụ lớn chủ yếu do dịch vụ vận tải của Việt Nam còn quá yếu. Ý đồ phát triển vận tải viễn dương từ cách đây hơn 10 năm đã thất bại do lãng phí, thất thoát nay còn thụt lùi; trong khi đường sắt liên vận thì chậm, thậm chí thụt lùi. Thực trạng viễn dương của Việt Nam có thể nhìn qua một số số liệu: đội tàu biển của Việt Nam đến cuối năm 2021 có 1.502 chiếc, trong đó tàu vận tải có 1.032 chiếc, còn tàu khác có 470 chiếc; số tàu vận tải đã giảm 235 chiếc so với cuối 2016; phần lớn trong 1.032 chiếc vận tải, thì chủ yếu là tàu cỡ nhỏ (dưới 5.000 GT - cỡ nhỏ - có 776 chiếc, chiếm 75,5%; từ 5.000 -30.000 GT chỉ có hơn 200 chiếc, chiếm 20%; trên 30.000 GT chỉ có 42 chiếc, chiếm khoảng 4,1%).

Tàu chủ yếu vận tải hàng tổng hợp, hàng rời, chỉ có một phần nhỏ là tàu container, tàu dầu, hóa chất, khí lỏng và tàu khách. Cả nước có hơn 500 chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu, 38 hãng container nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó có tất cả các hãng tàu lớn nhất trong khai thác thị phần quốc tế. Việt Nam có 10 hãng tàu container hoạt động chủ yếu thị trường nội địa. Mục lượng hàng hóa thông qua cảng đến năm 2030 khoảng 1.140-1.423 triệu tấn, trong đó container 455-559 triệu tấn. Nay Vinashin bị phá sản.

Với năng lực vận tải viễn dương như vậy, thị phần vận tải hàng xuất, nhập khẩu phần lớn rơi vào tay nước ngoài và nhập siêu về dịch vụ vận tải là không tránh khỏi.

DỊCH VỤ DU LỊCH TRỞ LẠI XUẤT SIÊU

Dịch vụ du lịch là một trong các khoản lớn nhất trong tổng xuất, nhập khẩu và xuất, nhập siêu dịch vụ. Xuất, nhập khẩu, xuất, nhập siêu dịch vụ du lịch trong một số năm thể hiện ở hình 5.

Năm 2019 là năm đạt kỷ lục cao nhất cả về xuất khẩu, cả về nhập khẩu, cả về xuất siêu dịch vụ du lịch, nhưng dịch vụ du lịch đã bị nhập siêu liền trong 3 năm (2020 là 803 triệu USD, 2021 là 3.681 triệu USD, 2022 là 2.699 triệu USD). Năm 2023, dịch vụ du lịch trở lại xuất siêu do xuất khẩu tăng 138,4%, còn nhập khẩu chỉ tăng 19,6%, nên đã chuyển sang xuất siêu khá về dịch vụ du lịch. Đây là kết quả của lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tốc, sau khi Việt Nam đã đạt kết quả tích cực trong phòng chống đại dịch Covid-19, cộng với các nước, trong đó Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phòng, chống đại dịch trong xuất, nhập cảnh...

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đỗ Phương Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ly-giai-xuat-nhap-khau-dich-vu-bat-hop-ly.htm