Lý do iPhone rơi hàng nghìn mét từ máy bay vẫn nguyên vẹn

Yếu tố vật lý và may mắn góp phần giúp smartphone hoạt động bình thường dù rơi từ độ cao hàng nghìn mét.

Ảnh minh họa smartphone rơi từ máy bay. Ảnh: Slate.

Chiếc iPhone nguyên vẹn sau khi rơi khỏi máy bay từ độ cao hơn 4.800 m vào ngày 5/1 thu hút nhiều chú ý. Trước đó vào tháng 6/2023, vận động viên nhảy dù Hatton Smith ghi lại cảnh iPhone rơi từ độ cao hơn 4.200 m. Khi được tìm thấy, điện thoại vẫn hoạt động bình thường.

"Hãy cầm iPhone cẩn thận. Thiết bị được làm bằng kim loại, thủy tinh, nhựa và có các linh kiện điện tử nhạy cảm bên trong. iPhone hoặc pin có thể hỏng nếu bị rơi, cháy, thủng, nghiền nát hoặc tiếp xúc với chất lỏng" là khuyến cáo của Apple. Tuy nhiên nhìn từ góc độ vật lý, điện thoại sống sót khi rơi từ hàng nghìn mét là có cơ sở.

Ốp lưng giúp hấp thụ lực

David Rakestraw, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, California (Mỹ) thường dùng điện thoại làm vật thí nghiệm cho các bài giảng về toán và khoa học. Theo ông, có ít nhất 3 yếu tố giúp smartphone nguyên vẹn nếu rơi từ máy bay.

Chiếc iPhone còn nguyên sau khi rơi từ máy bay của Alaska Airlines vào ngày 5/1. Ảnh: @SeanSafyre/X.

Đầu tiên, các nhà sản xuất ngày càng thiết kế sản phẩm bền bỉ hơn. Trong giai đoạn phát triển, thiết bị thường được thử nghiệm thả rơi với khoảng cách ngắn. Yếu tố thứ hai đến từ ốp lưng và miếng dán màn hình. Cuối cùng là vị trí tiếp đất.

Giải thích rõ hơn, Rakestraw cho biết vật thể chuyển động khi rơi sẽ tạo ra động lượng. Điều quan trọng là thời điểm và bề mặt va chạm.

Ví dụ, một người tông vào vách tường và té xuống gối. Trong trường hợp này, tác động lên gối gây thiệt hại nhẹ bởi chiếc gối hấp thụ lực, kéo dài thời gian va chạm.

Đó cũng là lý do ôtô trang bị túi khí. Khi xảy ra va chạm, túi khí sẽ bung để tạo bề mặt hấp thụ lực.

Theo USA Today, một số đường đua hoặc đường cao tốc cũng trang bị rào chắn giảm năng lượng bằng thép và bọt (SAFER) để bảo vệ tài xế bằng cách hấp thụ lực, giảm năng lượng tác động khi xe đâm vào hàng rào.

Trong trường hợp iPhone rơi từ máy bay, ảnh chụp cho thấy điện thoại được gắn ốp lưng. Theo Rakestraw, ốp điện thoại thường làm từ vật liệu uốn dẻo, có thể hấp thụ một phần lực khi xảy ra tác động mạnh.

May mắn vì rơi xuống bãi cỏ

Lou Bloomfield, giáo sư danh dự về vật lý tại Đại học Virginia (Mỹ), cho biết chiếc iPhone (trong trường hợp trên) đã đạt vận tốc cuối vào giai đoạn đầu của quá trình rơi tự do.

Theo Washington Post, mọi vật thể rơi tự do sẽ đạt vận tốc cuối, khi lực hấp dẫn không còn khả năng tăng vận tốc rơi do lực cản không khí. Tại thời điểm này, vật thể tiếp tục rơi với tốc độ giữ nguyên.

Chiếc iPhone rơi khỏi túi vận động viên nhảy dù Hatton Smith vào tháng 6/2023. Ảnh: @capt_rumcoffee/TikTok.

Theo tính toán, vận tốc rơi tối đa của iPhone chỉ khoảng 160 km/h, trong khi vận tốc cuối thường là 48 km/h. Để so sánh, những thí nghiệm thả rơi đồng xu cho thấy vận tốc cuối khoảng 40 km/h.

Trên thực tế, sự lắc lư và tác động của gió có thể tạo ra lực hướng lên, tác động đến vận tốc khi iPhone rơi.

"Một chiếc iPhone đang rơi cũng giống đồng xu nhưng kích thước lớn hơn, rơi với vận tốc nhanh hơn nhưng không đến mức không thể chịu tác động của bãi cỏ mềm", Bloomfield cho biết.

Xét yếu tố bề mặt tiếp đất, Rakestraw cho biết mọi chuyện có thể đã khác nếu iPhone rơi xuống mặt đường thay vì bãi cỏ.

"Chiếc điện thoại đã gặp may khi chạm vào môi trường tự nhiên với động lượng chậm hơn", giáo sư nói thêm.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-iphone-roi-tu-may-bay-van-nguyen-ven-post1454379.html