Lý do gì khiến Trung Quốc ủng hộ vùng phi hạt nhân ở Đông Nam Á?
Trong hội nghị thượng đỉnh với ASEAN hôm đầu tuần, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc ủng hộ việc thiết lập một vùng phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á.
Trung Quốc vừa lên tiếng ủng hộ việc thiết lập một khu vực phi vũ khí ở Đông Nam Á, trong lúc đang tìm cách để tăng cường các khối đồng minh trong khu vực để đối phó với hiệp ước an ninh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia.
Chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa ký hiệp ước giúp cho khu vực Đông Nam Á tránh xa vũ khí hạt nhân – mặc dù trong suốt 2 thập kỷ qua đã liên tục chỉ ra rằng họ sẵn sàng làm như vậy – nhưng giờ sức ép từ hiệp định mới giữa Anh, Mỹ và Australia có thể làm tăng tiến trình này.
Tại hội nghị trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức hôm đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng đất nước ông ủng hộ những nỗ lực thiết lập một khu vực phi vũ khí hạt nhân và sẵn sàng ký thỏa thuận này “càng sớm càng tốt”. Ông cũng cam kết sẽ nâng cấp mối quan hệ với ASEAN để tập trung hơn vào hợp tác an ninh và quỹ phát triển.
Được ký bởi các nước thành viên ASEAN vào năm 1995, Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) là một cam kết được đưa ra với mục đích giữ cho khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Bắc Kinh nói rằng họ sẵn sàng ký thỏa thuận trong vòng vài năm, nhưng đến nay không có nước nào trong số 5 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân – Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh và Pháp – ký kết. Theo thỏa thuận này, các bên ký kết không được phép phát triển, sản xuất hay sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào để làm vậy.
Trong lúc căng thẳng trong khu vực tăng lên – đặc biệt là giữa Bắc Kinh và Washington trên khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan – các nước thành viên ASEAN muốn thỏa thuận này được ký kết, theo Dai Fan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines thuộc ĐH Jinan ở Quảng Châu, nói.
“Trong lúc thế đối đầu Mỹ-Trung gia tăng, Mỹ đang tăng cường các khối liên minh an ninh của họ, trong đó có AUKUS, gây ra mối đe dọa tới hòa bình và an ninh của khu vực” – ông Dai nói.
Vị chuyên gia Trung Quốc nói rằng Indonesia và Malaysia đều phản đối thỏa thuận AUKUS, trong đó cho phép Australia mua tàu ngầm nguyên tử, và quan điểm của họ “tương đồng với Trung Quốc”. Ông nói Bắc Kinh đang tìm cách giảm thang căng thẳng và “kìm hãm AUKUS” bằng cách ủng hộ thỏa thuận về khu vực phi vũ khí hạt nhân.
Tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Malaysia và Brunei rằng hiệp định AUKUS cùng với những kế hoạch tàu ngầm nguyên tử đằng sau nó có thể tiêu hủy việc thiết lập khu vực phi hạt nhân ở Đông Nam Á.
“Mỹ và Anh đã lựa chọn không tham gia vào hiệp ước SEANWFZ. Thay vào đó, họ lại chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự cho khu vực này và còn cung cấp cho khu vực những vật liệu uranium đã làm giàu ở mức độ cao, đi ngược lại những nỗ lực của các nước ASEAN trong việc xây dựng khu vực phi hạt nhân” – ông Vương Nghị nói trong cuộc họp khi đó.
Các nước thành viên ASEAN vẫn tiếp tục kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký kết thỏa thuận và hiện đang tìm cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại; theo tuyên bố chung được đưa ra sau một cuộc họp các Bộ trưởng ASEAN hồi tháng 8 vừa qua.
Zhao Tong – chuyên gia phân tích đến từ chương trình chính sách hạt nhân thuộc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh – nói rằng Trung Quốc đã chuyển hướng tập trung sang các mối quan hệ trong khu vực và ít quan tâm hơn tới sự gắn kết với các cường quốc hạt nhân khác, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ như hiện nay.
“Trung Quốc không có những đề xuất gì đặc biệt cho thỏa thuận này, xét từ khía cạnh kỹ thuật. Nhưng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác, bao gồm Mỹ, vẫn có nhiều quan ngại và lo lắng rằng thỏa thuận này sẽ hạn chế họ phát triển các nền tảng vũ khí hạt nhân” – ông nói – “Thể hiện sự ủng hộ thỏa thuận này cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN.”