Lưu giữ 'linh hồn' bản sắc dân tộc Mông

Khu người Mông Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có 600 nhân khẩu cùng sinh sống nhưng cả khu chỉ có khoảng 5 người có thể sử dụng thành thạo khèn - nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông, trong đó có ông Sùng A Tủa. Sinh năm 1963, mặc dù đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời nhưng chứng kiến loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, ông vẫn đau đáu suy nghĩ làm cách nào để thế hệ trẻ bây giờ tiếp nối và giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

(baophutho.vn) - Khu người Mông Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có 600 nhân khẩu cùng sinh sống nhưng cả khu chỉ có khoảng 5 người có thể sử dụng thành thạo khèn - nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mông, trong đó có ông Sùng A Tủa. Sinh năm 1963, mặc dù đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời nhưng chứng kiến loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một, ông vẫn đau đáu suy nghĩ làm cách nào để thế hệ trẻ bây giờ tiếp nối và giữ gìn loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, gia đình ông Tủa cũng giống như các hộ gia đình người Mông ở Mỹ Á lại tổ chức lễ cúng cơm mới, tạ ơn thần linh và tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm. Cũng trong dịp này, cây khèn được giữ gìn như bảo vật gia đình mới có dịp được cùng chủ nhân thể hiện.

Trong tiếng Mông, khèn được gọi là “chúa kềnh”. Đối với người Mông, khèn chính là âm thanh của cuộc sống, là linh hồn của đồng bào dân tộc. Người Mông nghe tiếng khèn từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Cứ đến mùa lễ hội hay những dịp trọng đại trong năm, các giai điệu của tiếng khèn lại được vang lên với những câu chuyện của đất trời, cuộc sống.

Ông Sùng A Tủa múa một điệu khèn

Ông Sùng A Tủa kể về cơ duyên đến với cây khèn: “Hồi còn nhỏ, mỗi lần theo cha xuống chợ phiên, đi chơi hội “Gầu Tào”, tiếng khèn đã hằn sâu vào tâm trí. Lớn lên, tôi cũng như bao chàng trai người Mông học thổi khèn để chứng minh mình là người đàn ông mạnh mẽ. Nhờ vậy, tôi cưới được cô gái đẹp nhất nhì bản Mỹ Á làm vợ”.

Theo ông Tủa, khèn Mông là loại nhạc cụ đa thanh với những âm thanh đặc trưng của núi rừng, mang những cung bậc cảm xúc khác nhau của người thể hiện. Khèn gồm sáu ống trúc nằm ngang nối với một ống trúc dọc qua bầu gỗ nhỏ. Mỗi ống trúc ngang đều có khoét lỗ và gắn một lá đồng để tạo âm thanh. Riêng ống to và ngắn nhất có gắn hai lá đồng. Mỗi công đoạn đều được làm thủ công nên mỗi cây khèn sau khi hoàn thành đều chứa đựng tâm huyết của người thợ. Bầu đàn thường được làm từ những loại gỗ họ nhà thông như thông đá, kim giao hay pơ mu. Khi thổi, âm thanh trầm bổng hay vút cao phụ thuộc vào độ dài ngắn của các ống trúc này.

Cây khèn truyền thống của dân tộc Mông khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn

Động tác múa khèn cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc. Tốc độ càng nhanh càng chứng tỏ kỹ năng của người thổi khèn càng điêu luyện. Để thuần thục được múa khèn, đàn ông người Mông phải trải qua một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, kiên trì. Người học phải am hiểu hết những giai điệu khèn kết hợp với cơ thể dẻo dai, cường tráng, cách lấy hơi rèn khí sao cho được sâu, được dài.

Bản Mỹ Á hiện nay không còn nghệ nhân biết làm khèn. Tất cả khèn đều được mua trên vùng Lào Cai, Yên Bái. “Tụi trẻ bản này giờ không biết thổi khèn và cũng không thích học thổi khèn. Chúng thích dùng điện thoại, thích nghe và nhảy theo những giai điệu hiện đại. Hòa nhịp chung với cuộc sống hiện đại, văn hóa của dân tộc Mông trên bản Mỹ Á đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng văn minh, tiến bộ hơn. Những hủ tục như bắt vợ, ma chay tốn kém tiền của đã bị xóa bỏ. Văn hóa người Mông nay còn lưu giữ qua ngôn ngữ, chữ viết, nghệ thuật thổi khèn và trang phục. Những tinh hoa được lắng đọng và chắt lọc qua chiều dài lịch sử để trở thành linh hồn của một cộng đồng dân tộc.

Ông Tủa từng được mời “đứng lớp” dạy khèn cho CLB múa khèn của khu tuy nhiên như ông đã bộc bạch: “Giới trẻ người Mông bây giờ không thích học loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông. Điện thoại di động, mạng internet dường như có sức hút hơn loại nhạc cụ vài trăm năm tuổi này. “Tôi đã dạy cho rất nhiều người trẻ nhưng không có nhiều người học được. Nhưng tôi tin rằng với niềm đam mê và quyết tâm gìn giữ, tiếng khèn ở bản Mông sẽ ngân vang mãi cùng với màu xanh bạt ngàn của núi rừng”. Câu khẳng định chắc nịch của ông Sùng A Tủa ánh lên niềm hy vọng về sức sống bền bỉ của tiếng khèn Mông với thời gian.

Nhận thấy tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật thổi khèn dân tộc Mông, năm 2019, UBND huyện Tân Sơn đã đưa loại hình múa khèn vào kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua các hội nghị, hội thảo, trực quan trên hệ thống băng zôn, pano, áp phích và các phương tiện thông tin đại chúng. UBND xã Thu Cúc thành lập một CLB múa khèn với 50 học viên triển khai từ quý III năm 2020. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CLB cũng không sinh hoạt được thường xuyên.

Có lẽ, đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục kết hợp khơi dậy tình yêu, niềm đam mê trong đồng bào dân tộc mới là chìa khóa để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông khu Mỹ Á.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/202112/luu-giu-%E2%80%9Clinh-hon%E2%80%9D-ban-sac-dan-toc-mong-181444