Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 7

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử 'Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 7.

Dù kém về vũ khí nhưng quân Đại Nam chiến đấu vô cùng gan dạ dũng cảm và bình tĩnh. Khi Nguyễn Tri Phương ra lệnh rút khỏi Đại Đồn, họ không tháo chạy như ta thường thấy ở những đội quân bại trận mà rút từ từ, vừa rút vừa đánh. Lá quốc kỳ màu vàng của Đại Nam không bao giờ đổ gục mà liên tục bay cao theo bước chân của họ. Binh lính Đại Nam không bại trận mà chế độ phong kiến bảo thủ lạc hậu với đường lối quân sự sai lầm “thủ để hòa" mới là kẻ bại trận".

Sau khi chiếm Đại Đồn vài ngày, một hôm Leonard Chamer đang ngồi trong bản doanh thì có tình báo về báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, triều đình Huế cử tướng Nguyễn Bá Nghi đem 4.000 quân chi viện cho Đại Đồn nhưng Đại Đồn đã thất thủ nên tướng Nghi đang đóng quân ở Biên Hòa.

Leonard Chamer chưa kịp đáp thì một tình báo khác lại vào báo:

-Dạ bẩm Đô đốc, một tướng của Trương Bá Nghi xin vào gặp.

-Cho vào.

Một người mặc võ phục quân Đại Nam bước vào. Người đó cúi chào Leonard Chamer. Leonard Chamer gật đầu chào lại và nói gì đó với người phiên dịch. Người phiên dịch dịch lại:

-Ngài Đô đốc hỏi ngài đại diện cho ngài Trương Bá Nghi đến đây có việc gì?

-Thưa Đô đốc, tôi là Nguyễn Chiến, đại diện cho ngài Trương Bá Nghi đến truyền đạt rằng triều đình Huế muốn đàm phán nghị hòa với phía chính phủ Pháp.

Leonard Chamer nói:

-Ta sẵn sàng đàm phán nghị hòa với triều đình Huế.

-Đa tạ ngài Đô đốc, tôi sẽ nói lại với tướng Trương Bá Nghi ý muốn của ngài. Tạm biệt.

Lãnh binh Nguyễn Chiến về, Trương Bá Nghi vội hỏi:

-Ý của quân Pháp thế nào?

Nguyễn Chiến đáp:

-Người Pháp đồng ý ngồi đàm phán với triều đình ta.

Trương Bá Nghi viết một bức thư về cho Tự Đức. Tự Đức mở thư đọc. Thư viết: “Bẩm tấu hoàng thượng, việc nước ta ngày nay trừ một chước hòa thì không có chước nào khác. Hòa thì không ổn nhưng trông mong khôi phục về sau. Cúi mong hoàng thượng suy xét”.

Những sự kiện mất thành Gia Định, mất Đại Đồn và sau đó mất toàn bộ miền Gia Định cùng với bức thư của Trương Bá Nghi đã tạo ra một bước ngoặt nguy hiểm về đường lối của triều đình Huế. Từ chủ trương “Thủ để hòa” thì sau 1861, Tự Đức chuyển sang chủ trương hoàn toàn hòa nghị để mong bảo vệ đất nước.

Sau trận Đại Đồn, Tự Đức giáng chức Nguyễn Tri Phương xuống Tham trị Bộ lễ nhưng sau đó lai phục chức là Binh bộ Thượng thư.

III.

Năm 1861, sau chiến thắng Đại Đồn, quân Pháp chia nhau chiếm giữ những mảnh đất mới chiếm ở trung tâm và bắc Gia Định. Vài chục chiếc tàu chiến, trong đó có Đô đốc hạm là Tổng hành dinh của quân viễn chinh Pháp vẫn đậu giữa sông Sài Gòn. Buổi sáng tháng ba, nắng phương Nam chan hòa, mây trắng bay lang thang trên bầu trời, nắng rải xuống ấp thôn, kinh rạch tạo một màu xanh mênh mông bát ngát.

Trong căn phòng rộng, sang trọng của tàu Đô đốc hạm, Đô đốc Leonard Chamer đang họp các sĩ quan, những cốc thủy tinh hình quả trám to, rượu săm pa nhơ được rót gần tràn sóng sánh. Leonard Chamer nói:

-Xin các ngài nâng cốc chúc mừng chiến thắng của ta ở Đại Đồn, quét sạch được một cứ điểm mạnh của Đại Nam ở miền Nam.

Cả bọn đứng dậy chạm cốc với Leonard Chamer. Đó là chuẩn Đề đốc Pagơ, Đại úy hải quân Buốcđanh, trung tá hải quân Đơnô, trung úy úy Maolyni (Tây ban nha). Tất cả gần như đồng thanh nói:

-Xin chúc mừng Đô đốc, chúc mừng chiến thắng của chúng ta.

Rồi tất cả nghiêng cốc dốc cạn vào những cái mồm tham lam mép đầy râu ria. Khi tất cả đặt cốc xuống bàn và ngồi xuống, Leo nard Chamer nói:

-Chúng ta phải tiếp tục cuộc chiến để mở rộng đất đai chiếm đóng, tiêu diệt lực lượng của triều đình Đại Nam. Cố gắng một thời gian ngắn nhất chúng ta có thể làm chủ Nam Kỳ lục tỉnh. Chiến dịch sắp tới ta dự định đánh chiếm Biên Hòa, thứ hai là đánh chiếm Định Tường mà trọng tâm là thành phố Mỹ Tho trên bờ Tiền Giang. Nhưng ta không đủ lực lượng cùng một lúc đánh hai nơi. Các ngài cho biết nên đánh chiếm nơi nào trước?

Chuẩn Đề đốc Pagơ nói:

-Thưa ngài Đô đốc, ta có thể đánh chiếm Định Tường trước vì đây là một tỉnh giàu lúa gạo của miền Nam. Chiếm Định Tường là cắt đứt nguồn gạo quan trọng của triều đình Huế và các nơi khác của Đại Nam.

Đại úy Buốcđanh tiếp lời:

-Ta tán thành ý kiến của ngài chuẩn Đề đốc Pagơ. Chiếm được Định Tường là chiếm được vị trí then chốt trong hệ thông giao thông đường thủy của đồng bằng Cửu Long, từ đó có thể đi Căm Bốt. Chiếm Định Tường ta có thể tiêu diệt được những đội quân ứng nghĩa, tự nổi dậy đánh Pháp của dân chúng miền Nam đã làm chúng ta nhiều trận khốn đốn, vì Định Tường là trung tâm của những cuộc kháng chiến lớn như của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực…

(Còn nữa)

CVL

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/luc-tinh-nam-ky-khoi-lua-tieu-thuyet-lich-su-ky-7-a25058.html