Lục Ngạn: Hút khách về vườn, tôn vinh người trồng vải
Nhằm tôn vinh người làm vườn, đề cao những giá trị tinh hoa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên, vùng đất, con người Lục Ngạn thân thiện, mến khách, trong tháng 6 này sẽ diễn ra chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn 'Tinh hoa trái cây Việt'. Với nhiều nét mới, độc đáo, sự kiện này hứa hẹn tạo sức lan tỏa rộng rãi và để lại dấu ấn đối với du khách.
Đậm đà bản sắc
Chưa đầy một tháng nữa các đồi vải thiều tại Lục Ngạn sẽ chín rộ, tạo nên không gian đẹp mắt và hấp dẫn. Đây cũng là lúc nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tìm về “Vương quốc vải thiều” để trải nghiệm, thưởng thức những trái vải thơm ngon.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn và đoàn khách Trung Quốc tham quan vườn vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại một hộ dân trên địa bàn xã Hộ Đáp. Ảnh tư liệu
Để tạo đà cho du lịch phát triển, chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn “Tinh hoa trái cây Việt” sẽ được huyện tổ chức trong hai ngày 6 và 7/6 với nhiều hoạt động hấp dẫn. Địa phương kỳ vọng sẽ đón hơn 100 nghìn lượt khách, tạo thành điểm nhấn trong phát triển du lịch.
Nhiều hoạt động sẽ diễn ra tại đây như: Trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa vải thiều với các tác phẩm nhiếp ảnh, đồ vật phục vụ sản xuất, thu hái, đóng gói chế biến vải thiều; trình diễn quy trình sản xuất, chế biến và các món ăn từ quả vải; thi thu hái vải thiều, chế biến món ăn, nước uống từ vải như: Canh vải thiều mướp đắng, vải xào, vải hấp tôm, sinh tố vải, trà vải, bánh mỳ vải, rượu vang và giấm vải mật ong...

Du khách đạp xe tham quan, khám phá vườn đồi tại Lục Ngạn.
Theo ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện, địa phương cũng tập trung giới thiệu phương pháp chiết ghép lai tạo giống vải; các loại giống vải thiều đang trồng tại Lục Ngạn. Bên cạnh đó còn hướng dẫn du khách những kiến thức nông nghiệp hữu ích, giới thiệu hương vị các loại trái cây, hàng hóa đặc sản.
Cơ quan chức năng của huyện mời đội ngũ các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội tham gia quảng bá, tiêu thụ vải thiều; đồng thời tổ chức truyền thông phát sóng trực tiếp các nền tảng có phụ đề tiếng Anh nhằm thu hút khách quốc tế. Ban Tổ chức lựa chọn 10 mô hình tiêu biểu và 2 tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn để vinh danh.
Không chỉ giới thiệu, quảng bá vải thiều, đây còn là dịp để Lục Ngạn tôn vinh người nông dân làm ra quả vải, các tổ chức, cá nhân có đóng góp nâng cao thương hiệu vải thiều; đẩy mạnh giáo dục truyền thống, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào của người dân về văn hóa dân tộc, địa phương mình.
Qua đó thêm một lần nữa khẳng định: Làm du lịch nông nghiệp sẽ giúp thay đổi tư duy của nông dân, mang sự năng động, văn minh từ đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được hòa mình giữa thiên nhiên, thêm hiểu về cuộc sống của người dân vùng vải.
Du khách đến với Lục Ngạn mùa vải chín sẽ được đắm chìm giữa bức tranh nên thơ của núi rừng, thăm thú, chụp ảnh, tự tay hái những trái vải chín căng mọng, tươi ngon thưởng thức tại vườn hay mua về tặng người thân; trải nghiệm quy trình đóng gói thu hoạch vải xuất khẩu hay cùng hái vải đêm...
Ngoài ra, du khách có thể cắm trại, câu cá, đạp xe, chèo thuyền, khám phá văn hóa của đồng bào các dân tộc, thưởng thức thịt lợn quay, gà đồi, tôm cá, mật ong vải thiều, thăm hồ Cấm Sơn, nơi được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ…
Sẵn sàng đón khách
Cây vải thiều đã gắn bó nhiều năm và trở thành thương hiệu nổi tiếng của vùng đất Lục Ngạn. Quả vải trồng tại đây cho chất lượng vượt trội, thơm ngon, mã đẹp, được thị trường trong và ngoài nước ưu chuộng. Người trồng vải tại Lục Ngạn đã không ngừng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), giá trị sản phẩm quả vải ngày càng được nâng lên.

Món ăn được chế biến từ vải thiều.
Năm 2025, diện tích vải thiều toàn huyện là hơn 10 nghìn ha, sản lượng ước đạt 60,5 nghìn tấn, thời gian thu hoạch từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7.
Trước mùa vải chín, huyện Lục Ngạn đã khảo sát, lựa chọn điểm du lịch, hợp tác xã, nhà vườn có cảnh đẹp, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP với diện tích lớn, quả sai, đi lại thuận tiện, chủ nhà thân thiện, nhiệt tình. Trong đó tập trung vào các xã có nhiều nhà vườn đẹp như: Tân Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp, Tân Mộc… để tổ chức đưa khách đến trải nghiệm.
Theo bà Trương Thị Bẩy, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch sinh thái Giáp Sơn, Hợp tác xã đã đầu tư cải tạo nhiều hạng mục cơ sở vật chất tại vườn và đang tích cực quảng bá, liên kết với các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan.
Xây dựng các chòi nghỉ chân, bàn ghế và lắp đặt giàn phun sương quanh vườn để khách bớt cảm thấy nóng bức. Khi mua vé vào vườn, du khách tự do ăn vải thỏa thích, tham quan và lưu giữ kỷ niệm tại nhiều góc đẹp, hái vải ban đêm...
Đồng chí Vũ Văn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn cho hay, cùng với các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều, địa phương tiếp tục khởi động chương trình du lịch mùa hè với phương châm “đưa chợ về vườn”, “đón khách về nhà”.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn đã chuẩn bị mọi điều kiện để sẵn sàng đón du khách. Huyện chú trọng tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch cho nông dân cũng như đội ngũ làm du lịch địa phương.
Khuyến khích các hợp tác xã, nhà hàng chế biến và phục vụ các món ăn dân tộc, đặc sản địa phương; vận động Nhân dân thiết kế, bán đồ lưu niệm, sản phẩm đặc trưng. Ngoài ra, địa phương yêu cầu các hợp tác xã, nhà vườn thu các khoản phí dịch vụ rõ ràng, minh bạch, bán hàng bảo đảm chất lượng, giá hợp lý…
Hiện huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhiều nội dung như: Xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cơ quan, đơn vị và từng xã, thị trấn; thành lập ban tổ chức, các tiểu ban giúp việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thành viên. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường. Tin tưởng rằng chương trình du lịch vải thiều Lục Ngạn “Tinh hoa trái cây Việt” sẽ tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và mang lại hiệu quả thiết thực đối với người trồng vải.