Lực lượng công an tiên phong trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy

Sau 3 lần sắp xếp đến nay, tổ chức bộ máy của Công an nhân dân đã tiếp tục được tinh, gọn, mạnh, đội ngũ cán bộ được cơ cấu hợp lý hơn, các mặt công tác chuyên môn đạt được kết quả toàn diện hơn, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp...

Trước năm 2018, Bộ Công an duy trì cơ cấu phức tạp với 7 tổng cục: Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Tổng cục Tình báo, Tổng cục Phòng chống tội phạm, Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, và Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp. Hệ thống này, dù đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự, song đã bộc lộ nhiều hạn chế: chồng chéo chức năng, tầng nấc trung gian, hiệu quả chưa tối ưu.

Và hành trình tinh gọn bộ máy của Bộ Công an bắt đầu từ năm 2018, với quyết tâm tiên phong, Bộ Công an đã mạnh dạn xóa bỏ 6 tổng cục, và cắt bỏ hàng loạt tầng nấc trung gian. Từ đó đến nay, bộ máy tổ chức của Bộ Công an đã tinh giảm 6 tổng cục, 1 đơn vị tương đương tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 7 trường Công an nhân dân, 20 đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, 1.200 đơn vị cấp phòng và trên 3.500 đơn vị cấp đội. Cùng với đó, Bộ Công an đã tiến hành đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ ở các cấp công an theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Bộ trưởng Lương Tam Quang thăm trụ sở Công an xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bộ Công an.

Bộ trưởng Lương Tam Quang thăm trụ sở Công an xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bộ Công an.

Việc giảm tầng nấc trung gian giúp mệnh lệnh từ Bộ trưởng đến cơ sở được truyền đạt nhanh chóng, tiết kiệm chi phí vận hành, tạo tiền đề cho các cải cách sâu rộng hơn.

Từ 2018 đến nay, Bộ Công an đã giảm hàng chục nghìn biên chế, tinh giản hàng nghìn đơn vị cấp phòng, đội, đặt nền móng cho mô hình 3 cấp hiện đại.

Đây là khởi đầu cho một Bộ Công an tinh gọn, hướng tới hiệu lực, hiệu quả cao hơn – đúng với tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được. Hiện nay, ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên… Nếu điều hành như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Mô hình 4 cấp “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” dù đảm bảo sự hiện diện rộng khắp, song quá trình tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Công an nhận thấy, cần tiếp tục điều chỉnh bộ máy theo hướng giảm tầng nấc, giảm cấp trung gian để tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thực hiện Kết luận số 121, ngày 24/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Công an khẩn trương thực hiện sắp xếp mô hình Công an từ 4 cấp thành 3 cấp, tiếp nhận 5 nhiệm vụ mới từ các bộ, ngành. Đề án 3 cấp được xây dựng với phương châm “tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở”, xóa bỏ công an cấp huyện từ ngày 1/3/2025. Khi không tổ chức Công an cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động đối với 694 Công an cấp huyện và khoảng 5.916 đội thuộc Công an cấp huyện.

Tinh gọn không đồng nghĩa với suy giảm hiệu quả. Ngược lại, công an tỉnh giờ đây đảm nhận vai trò chỉ huy toàn diện, công an xã được tăng cường nhân lực, trang bị hiện đại, trở thành “cánh tay nối dài” gần gũi với nhân dân.

Cũng với đó, việc tiếp tục tiên phong trong xóa bỏ tầng nấc trung gian, giảm chi phí vận hành đã giải phóng ngân sách để dành nguồn lực đầu tư cho công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của lực lượng Công an Nhân dân. Những kết quả này là minh chứng cho sự quyết liệt và đúng đắn trong cải cách của Bộ Công an.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Chia sẻ với báo chí vào trung tuần tháng 2/2025, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: "Với mô hình tổ chức mới, an ninh quốc gia sẽ được củng cố vững chắc trên các địa bàn, lĩnh vực, giải quyết từ sớm, từ xa, từ cơ sở mọi yếu tố tiềm ẩn phức tạp; tội phạm được kéo giảm bền vững; người dân được sống bình yên, hạnh phúc trong xã hội ngày càng trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh với chất lượng phục vụ nhân dân ngày càng được nâng cao.

Quá trình tổng kết, đề xuất chủ trương bố trí Công an 3 cấp, đã đánh giá thấu đáo về nhiệm vụ, tính toán kỹ lưỡng điều chỉnh phân công, phân cấp bảo đảm rành mạch, đồng bộ, xuyên suốt, không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để sót, mất nhiệm vụ. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính trong ngành Công an và tiếp tục tham mưu thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Đề án số 06 theo hướng “đẩy mạnh cắt giảm, xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ “xin - cho” sang “chủ động” phục vụ người dân doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính”, thường xuyên có sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Công an cấp tỉnh, cấp Bộ đối với cấp xã, cơ bản sẽ không phát sinh khó khăn, vướng mắc đáng kể".

Bộ Công an không dừng lại ở việc thu gọn tổ chức, mà còn đặt mục tiêu hiện đại hóa để trở thành lực lượng “chính quy, tinh nhuệ” thông qua việc thành lập các đơn vị chuyên môn mới như: Trung tâm An ninh Hàng không Quốc gia nhằm tăng cường quản lý an ninh hàng không – lĩnh vực chiến lược đối với an ninh quốc gia; Cục Công nghiệp An ninh được kiện toàn nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào bảo vệ an ninh. Những đơn vị này không chỉ là biểu tượng của sự hiện đại hóa mà còn là công cụ để Bộ Công an đối phó với các thách thức mới. Bước đi này một lần nữa cho thấy tinh gọn không chỉ là “cắt giảm” mà là “tăng cường” hiệu quả hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Lương Tam Quang cùng các đại biểu thăm quan sản phẩm công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CAND.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Lương Tam Quang cùng các đại biểu thăm quan sản phẩm công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong CAND.

Cùng với đó, chuyển đổi số là một trụ cột quan trọng trong tầm nhìn hiện đại hóa của Bộ Công an. Hệ thống dữ liệu tập trung cho lý lịch tư pháp và sát hạch lái xe đã được triển khai, giúp công an xã xử lý thủ tục nhanh chóng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ công minh bạch.

Điển hình, tại Hà Nội, người dân sẽ không còn cảnh xếp hàng dài chờ đợi mỏi mệt và chỉ mất vài ngày để nhận lý lịch tư pháp thay vì cả tuần như trước đây, nhờ hệ thống số hóa...

Thời gian qua, Công an Hà Nội cũng luôn chú trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết công việc trên môi trường điện tử, tham mưu UBND thành phố trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ với nhiều đột phá, là một trong hai địa phương thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Nhiều thủ tục hành chính của Công an thành phố Hà Nội cũng được triển khai toàn trình trên cổng dịch vụ công, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, được Chính phủ và Tổ công tác Đề án 06 đánh giá là địa phương đi đầu cả nước.

Công an Hà Nội phối hợp triển khai chuyển đổi số về viễn thông và công nghệ thông tin.

Công an Hà Nội phối hợp triển khai chuyển đổi số về viễn thông và công nghệ thông tin.

Phát biểu tại hội nghị phối hợp triển khai chuyển đổi số về viễn thông và công nghệ thông tin trong công an thành phố mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định: “Việc tích hợp các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo AI, điện toán đám mây vào các hệ thống định danh điện tử, hệ thống dữ liệu, giám sát… không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, mà còn góp phần cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”.

Hiện nay, Công an Hà Nội có 3 trung tâm chỉ huy, quản lý trên 720 camera các loại phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự. Bên cạnh đó, đang triển khai 4 dự án camera giám sát với khoảng 3.700 camera có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý điều hành giao thông. Bên cạnh đó, một số công an phường đã vận động nhân dân lắp đặt camera an ninh và chia sẻ kết nối internet nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Hệ thống giám sát tại trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội.

Hệ thống giám sát tại trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội.

Trung tá Đỗ Hữu Phúc, Trưởng Công an phường Láng Thượng cho biết: “Nhờ có hệ thống camera an ninh, Công an phường đã làm rõ nhiều vụ án, vụ việc, xử lý trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Bước đầu đã có hiệu quả trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức trong việc bảo quản tài sản, chấp hành các quy định tại địa bàn của người dân”.

Việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã trở thành công cụ đắc lực giúp lực lượng công an cấp xã thực thi hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới, là “chìa khóa” giúp công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ chủ động, chính xác và hiệu quả.

Đây là một hệ thống thông tin lớn, chứa đựng dữ liệu cơ bản của người dân được xây dựng với mục tiêu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, qua đó giúp công an cấp xã có thể nhanh chóng tra cứu các thông tin trên hệ thống đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và giải quyết các thủ tục hành chính.

Thiếu tá Trà hướng dẫn công dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hà

Thiếu tá Trà hướng dẫn công dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hà

Song hành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống định danh và xác thực điện tử. Thiếu tá Trần Thị Thanh Trà, Công an phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, khi công dân định danh mức 2 trên ứng dụng VNeID sẽ có rất nhiều lợi ích trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bởi ứng dụng tích hợp và đã thay thế nhiều loại giấy tờ vật lý như căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…

“Khi đi ra ngoài người dân không phải mang quá nhiều giấy tờ. Và chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm VNeID là có thể xuất trình được giấy tờ liên quan. Đặc biệt, khi định danh mức 2 người dân nộp được giấy tờ trực tuyến một cách rất đơn giản, dễ hiểu…” – Thiếu tá Trà chia sẻ.

Anh Đậu Văn Trầm (tạm trú tại phường Trung Văn) đến Công an phường Trung Văn để định danh mức 2. Sau thời gian ngồi chờ đợi khoảng 5 phút, anh Trầm được cán bộ mời lên lấy hình ảnh, vân tay. “Các cán bộ rất nhiệt tình và hướng dẫn tỉ mỉ nên tôi chỉ mất 10 phút là xong thủ tục” – anh Trầm nói và cho biết, khi định danh mức 2 sẽ tích hợp được rất nhiều loại giấy tờ và có thể làm thủ tục hành chính trực tuyến mà không phải đến trụ sở cơ quan chức năng như trước đây.

Anh Trầm chỉ mất 10 phút để định danh mức 2. Ảnh: Thanh Hà

Anh Trầm chỉ mất 10 phút để định danh mức 2. Ảnh: Thanh Hà

Theo Công an Hà Nội, xác thực điện tử sẽ hạn chế tối đa việc giả mạo giấy tờ của các đối tượng xấu, hỗ trợ quản lý nhân khẩu trên địa bàn. Đặc biệt, giảm công việc thủ công, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực trong các công tác như cấp căn cước, đăng ký cư trú, đăng ký phương tiện...

Trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, người dân có thể xuất trình giấy tờ, thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hà.

Trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an, người dân có thể xuất trình giấy tờ, thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hà.

Bên cạnh đó, một số ứng dụng khác trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh về xác thực điện tử đã hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng công an cấp xã trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là sử dụng tính năng “tố giác tội phạm” trên ứng dụng VNeID, người dân có thể kịp thời thông báo các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đối tượng vi phạm pháp luật… đồng thời hỗ trợ lực lượng công an nhanh chóng giải quyết vụ việc, tin báo một cách hiệu quả.

Hiện nay, công an xã không chỉ là lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự mà còn đóng vai trò tham mưu hiệu quả chính quyền trong xây dựng chính quyền số, góp phần cải cách hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Trên cơ sở những thành tựu, kinh nghiệm trong thời gian qua, Bộ Công an xác định năm 2025 là năm tích cực chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc truyền thống lên môi trường điện tử, tạo ra hiệu năng, hiệu quả công tác cao hơn, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, với các công tác trọng tâm sau: Gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, từng cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực triển khai Đề án 06 của Chính phủ; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được giao, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường cải cách tối đa thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công hiện đại, tiện ích theo lĩnh vực được giao, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong CAND, bảo đảm thực chất, hiện đại, đồng bộ; tăng cường hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong CAND.

Đại tướng Lương Tam Quang

Nội dung: Nhóm Phóng viên Thời sự | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luc-luong-cong-an-tien-phong-trong-cuoc-cach-mang-tinh-gon-bo-may-post1733489.tpo