Luật Thủ đô cần cơ chế đặc thù, nhưng thận trọng có kiểm soát
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội. Cần cơ chế đặc thù cho Luật Thủ đô, nhưng nên thận trọng có kiểm soát.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Thủ đô (sửa đổi), cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cần đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường
Góp ý vào dự thảo Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn Long An nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị, cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường.
“TP. Hà Nội cần quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường. Đồng thời cần rà soát bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch’, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đại biểu kiến nghị nên tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn Quảng Nam kiến nghị cần quan tâm về các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
“Luật sửa đổi lần này với những chính sách đặc thù, đặc biệt sẽ tạo động lực để thủ đô Hà Nội bứt phá, trở thành một thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, có những quy định cụ thể liên quan đến quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô và biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch”, ông Hạ nói.
Đại biểu phân tích, so với thế giới, Hà Nội vẫn còn thiếu vắng những công trình mang tính điểm nhấn để thu hút khách du lịch, để lại dấu ấn về thủ đô trong lòng du khách.
“Do đó, đại biểu đề nghị quy định cụ thể rõ ràng về chiến lược, quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, chính sách, thu hút các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế để giúp Hà Nội có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn của khu vực và toàn cầu”, ông Hạ nêu quan điểm.
Thận trọng áp dụng một số chính sách đặc thù
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đồng Tháp cho biết, ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù nhưng cần rà soát chặt chẽ, thận trọng, có kiểm soát.
Về mở rộng lĩnh vực HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn, áp dụng trên địa bàn thành phố và về áp dụng biện pháp dừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng.
“Tôi cơ bản thống nhất với hướng quy định này, đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp áp dụng tùy tiện”, ông Hòa nói.
Góp ý về danh hiệu công dân ưu tú Thủ đô quy định tại Điều 7, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị đề nghị nên quy định đồng bộ cho cả người Việt Nam trong nước và nước ngoài.
Ông Đồng đề nghị dự thảo Luật cần tập trung vào những quy định liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho chính quyền Thủ đô, qua đó giúp chính quyền Thủ đô có đủ thẩm quyền để chủ động, linh hoạt, năng động trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.
“Còn việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền Thủ đô là thuộc nội bộ điều hành của chính quyền Thủ đô, thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đại biểu cho rằng, Quốc hội không nên phân cấp gộp cho Thủ đô việc này”, ông Đồng nói.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn Đồng Tháp đề nghị: “Quy hoạch chung thủ đô phải đảm bảo xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, môi trường sống trong lành, phát triển bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân được sống trong môi trường xanh, sạch, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, không có những sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động thường ngày của người dân”.
Đại biểu đề nghị, phải bảo vệ môi trường thủ đô nguyên tắc xây dựng môi trường sống trong lành và các quy định về cơ chế thực hiện đảm bảo môi trường sống trong lành của thủ đô được nghiêm túc thực thi.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn - Đoàn TP. Hà Nội cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn trong phát triển văn hóa không chỉ đúng đối với văn hóa của Thủ đô mà còn đúng với văn hóa của cả nước.
Chính vì vậy, đại biểu mong muốn, một số chính sách, giải pháp đặc thù vượt trội cho phát triển văn hóa Thủ đô cũng sẽ được áp dụng cho các thiết chế, các hoạt động văn hóa của các cơ quan Trung ương ở Hà Nội.
“Tôi mong rằng, phạm vi áp dụng của những chính sách này sẽ được mở rộng hơn cho các dự án, các thiết chế văn hóa, thể thao của Trung ương ở Hà Nội để giải quyết những vấn đề bức xúc ở các dự án, các cái thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay như tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam hay một số thiết chế văn hóa, thể thao khác… Khi những chính sách này thực sự có ý nghĩa, có thể giải quyết khó khăn cho các thiết chế văn hóa, thể thao này thì chúng ta không nên chờ đợi lâu hơn nữa”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Làm rõ mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Bắc Ninh quan tâm tới việc phát triển giáo dục tại Thủ đô Hà Nội.
Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí, quy tụ nguồn lực nhân lực chất lượng cao và nhiều điều kiện để kết nối quốc tế.
“Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã giao Thủ đô Hà Nội phải nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”, đại biểu Trần Thị Vân nói.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ trên, đại biểu cho rằng cần coi trọng việc cho phép Thủ đô Hà Nội đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao, coi đây là trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội phải đảm nhận, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai, không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước.
Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Quảng Bình cho rằng cần có đánh giá tác động mô hình cơ sở giáo dục chất lượng cao.
Đại biểu nêu thực tiễn, Hà Nội nhiều năm qua, nhiều cơ sở giáo dục luôn trong tình trạng quá tải sĩ số trường lốp do tốc độ đô thị hóa nhanh, có những trường sĩ số học sinh trên 60 em/lớp.
“Nghĩa là Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được đủ trường lớp công lập để thực hiện giáo dục đại trà. Chính sách đặc thù khi đầu tư, nhân rộng xây dựng nhiều trường chất lượng cao, học phí cao trong triển khai, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến phân tầng giáo dục phổ thông. Song song với đó, đề nghị Hà Nội tập trung xây những trường chuẩn quốc gia mẫu mực, tạo sức lan tỏa cho giáo dục phổ thông cả nước; và đầu tư mạnh hơn nữa cho việc xây dưng các trường mầm non, phổ thông công lập; đáp ứng yêu cầu cho mọi trẻ em đều được đến trường phổ thông theo nguyên vọng; trẻ em con nhà nghèo phải được học ở trường công”, bà Nga nói.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 25 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận; còn 9 đại biểu đăng ký phát biểu, 1 đại biểu đăng ký tranh luận, nhưng do hết thời gian đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để các cơ quan tiếp thu, giải trình. Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các ý kiến phát biểu cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu dự án Luật trình Quốc hội và cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật đã được chỉnh lý.