Luật hóa tài sản số

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, dành bốn điều quy định về khái niệm tài sản số, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý và trách nhiệm quản lý nhà nước với loại tài sản này. Đây là lần đầu tiên tài sản số được đề cập rõ nét trong một văn bản luật về công nghệ, kỹ thuật.

Quy định rõ ràng về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ giúp tạo ra một khung pháp lý vững chắc, giúp các cơ quan chức năng có công cụ quản lý, kiểm soát hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: TL

Quy định rõ ràng về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ giúp tạo ra một khung pháp lý vững chắc, giúp các cơ quan chức năng có công cụ quản lý, kiểm soát hiệu quả hơn. Ảnh minh họa: TL

Tiềm năng lớn của tài sản số

Cho đến hiện tại, mới chỉ có một số văn bản luật đề cập đến tài sản số như Bộ luật Dân sự, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán... Dù chưa có khung pháp lý rõ ràng như vậy, song tài sản số đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số nước ta.

Theo Báo cáo của Công ty Nghiên cứu blockchain Chainalysis có trụ sở tại New York (Mỹ), trong vòng 12 tháng tính đến tháng 7-2023, dòng tài sản mã hóa vào Việt Nam đạt 120 tỉ đô la Mỹ, gấp 5 lần so với dòng vốn FDI vào Việt Nam trong cùng thời gian (chỉ đạt 25 tỉ đô la Mỹ). Mức này đã tăng 20% so với mức 100 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2021-2022. Khoảng 60% số tiền mã hóa tại Việt Nam hiện được giao dịch trên các sàn giao dịch tập trung (CEX).

Dữ liệu từ Triple A, công ty thanh toán tiền mã hóa được Cơ quan Tiền tệ Singapore cấp phép, cho thấy 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo, đứng thứ ba toàn cầu về số lượng tuyệt đối người sở hữu tài sản ảo.

Không chỉ lớn về mặt quy mô thị trường và phổ biến trong dân chúng, hiệu quả kinh tế từ các hoạt động đầu tư tài sản số tại Việt Nam cũng rất đáng kể. Chainalysis ước tính tổng lợi nhuận từ các nhà đầu tư tài sản mã hóa toàn cầu là 37,6 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023, trong đó Việt Nam đứng thứ ba với khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ lợi nhuận.

Những số liệu này cho thấy tiềm năng to lớn của tài sản số trong việc đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải xây dựng khung pháp lý toàn diện để điều chỉnh. Hiện nay, do chưa có các quy định cụ thể về tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa và tiền mã hóa, hoạt động này vẫn chủ yếu nằm trong khu vực “kinh tế ngầm” và chưa được ghi nhận trong các hệ thống tài chính chính thức.

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới đây, ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, dẫn lại những số liệu nêu trên và cho rằng, việc quy định về tài sản số trong dự thảo luật là rất cần thiết. “Nếu không có khung pháp lý cho hình thức sở hữu này, chúng ta sẽ bỏ lỡ một yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế số”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, trong xu hướng hội nhập quốc tế, việc quy định về tài sản số trong luật là cần thiết. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng; tiếp cận được với mặt bằng quản lý tài chính, công nghệ của các nước trên thế giới; tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích cho người dùng; góp phần phòng, chống nạn trốn thuế, rửa tiền, kiểm soát chặt chẽ “thị trường tài sản số ngầm” đang có nguy cơ phát triển ở Việt Nam.

Phân loại rõ ràng để có phương án quản lý phù hợp

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dành mục 3 gồm bốn điều để quy định khái niệm tài sản số, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý, trách nhiệm quản lý nhà nước.

Theo đó, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Tài sản mã hóa là một loại tài sản số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bằng công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán hoặc công nghệ số khác tương tự (điều 14).

Tài sản số phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu sau: thể hiện dưới dạng dữ liệu số; xác định được quyền sở hữu; có thể giao dịch, chuyển giao bằng phương tiện điện tử, tương thích với các hệ thống khác; có giá trị kinh tế; tồn tại và hoạt động mà không cần gắn liền với tài sản vật chất; bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật; xác thực được tính hợp pháp và nguồn gốc; bảo đảm minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình (điều 15).

Quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro liên quan đến tài sản số và các nội dung quản lý khác (điều 16).

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý tài sản số trong ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn (điều 17).

Góp ý cho nội dung này, ông Hoàng Minh Hiếu cho rằng, cần phân loại rõ ràng các loại tài sản số để áp dụng phương án quản lý phù hợp. Ví dụ, đối với tiền mã hóa cần có những quy định riêng, trong khi tài sản số đại diện (NFT) hoặc tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số cũng cần được quản lý theo các quy định khác biệt. Chẳng hạn, tại Trung Quốc, giao dịch tiền mã hóa bị cấm hoàn toàn, nhưng một số loại tài sản số khác vẫn được phép giao dịch.

Bên cạnh đó, dự thảo luật hiện chưa làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản số. Theo ông Hoàng Minh Hiếu, quy định này cần được bổ sung để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy đây là nội dung đặc biệt quan trọng. Ví dụ, pháp luật của Liên minh châu Âu đã đặt ra các quy định chi tiết về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số, bao gồm yêu cầu đăng ký hoạt động, cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với sản phẩm phát hành. Các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số cũng phải được cấp phép, bảo đảm bảo mật thông tin và minh bạch trong quá trình giao dịch. Những quy định này không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn nâng cao tính minh bạch và tin cậy của thị trường tài sản số.

Cùng quan điểm với ông Hiếu, Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, đề xuất định nghĩa rõ ràng hơn về tài sản số. Theo ông, cần bổ sung các ví dụ về tài sản số như tài sản trí tuệ số NFT, tiền mã hóa và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn - điều này giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu lầm.

“Tôi đề xuất sửa đổi theo hướng: tài sản số bao gồm nhưng không giới hạn các loại tài sản như quyền sở hữu trí tuệ được số hóa, tài sản phi tập trung NFT, tiền mã hóa và dữ liệu số có giá trị kinh tế. Về tài sản mã hóa, đề nghị làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản mã hóa và các tài sản số khác, nhấn mạnh rằng tài sản mã hóa có thể bao gồm cả các token tiện ích và token chứng khoán”, ông Tráng A Tủa nói.

Về tiêu chí xác định tài sản số, ông Tráng A Tủa cho rằng, tiêu chí minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình đã được nhắc đến trong dự thảo luật nhưng chưa nêu rõ ràng cơ chế đảm bảo. Do đó, ông đề nghị bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng, theo hướng các giao dịch tài sản số phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp.

Góp ý về nguyên tắc quản lý tài sản số, ông Tráng A Tủa đề xuất làm rõ các giai đoạn trong vòng đời của tài sản số, bao gồm: tạo lập, giao dịch, lưu trữ, và hủy bỏ, cùng với trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Quy định chi tiết này sẽ giúp cơ quan quản lý có cơ sở giám sát và kiểm soát hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản số.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số, theo ông Tráng A Tủa, nên bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực. Ví dụ Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý liên quan đến công nghệ số, Bộ Tài chính quản lý các khía cạnh thuế, tài chính, Ngân hàng Nhà nước giám sát các hoạt động tài chính số. Sự phân công rõ ràng này sẽ đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong việc quản lý, điều tiết thị trường tài sản số.

Quy định rõ ràng về tài sản số trong Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ giúp tạo ra một khung pháp lý vững chắc, giúp các cơ quan chức năng có công cụ quản lý, kiểm soát hiệu quả hơn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người sở hữu tài sản số, mà còn tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, từ đó thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam. Hơn nữa, một khung pháp lý hoàn chỉnh sẽ giúp Việt Nam hòa nhập vào xu hướng phát triển công nghệ số toàn cầu, đảm bảo sự minh bạch trong các giao dịch tài chính số.

Đưa tài sản số vào ngành công nghiệp công nghệ số là khiên cưỡng?

Ông Lã Thanh Tân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng: Việc đưa tài sản số vào chương III của dự thảo luật quy định về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số “có vẻ khá khiên cưỡng”.

Theo ông, nội dung về tài sản số từ điều 14 đến điều 17 là quy định về một loại tài sản mới có thể sử dụng ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống kinh tế - xã hội và phù hợp như một đối tượng của các luật về quản lý tài sản. Đồng thời, trong dự thảo luật còn đề cập đến những vấn đề liên quan đến quy định về thuế, tài chính. Gần như không có nội dung nào thể hiện sự gắn kết mối quan hệ giữa đối tượng này với ngành công nghiệp công nghệ số.

Khoản 2 điều 17 dự thảo luật đưa thêm khái niệm về cung ứng dịch vụ tài sản số, tuy nhiên, loại hình dịch vụ này lại không được quy định trong các loại hình dịch vụ công nghệ số tại điều 11 của dự thảo luật và tài sản số cũng không được quy định như một loại sản phẩm công nghệ số tại điều 10. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và giải trình, làm rõ thêm, ông đề nghị.

Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc

Đa số ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản tán thành rằng các quy định về tài sản số tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là phù hợp trong bối cảnh công nghệ chuỗi khối (blockchain) và các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa đang ngày càng phổ biến ở nước ta.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu của người dân theo quy định của Hiến pháp, nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới để đề xuất chính sách quản lý phù hợp với Việt Nam. Trường hợp cần thiết có thể xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất về vấn đề này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa tài sản số và công nghiệp công nghệ số. Nếu xác định tài sản số là một loại sản phẩm, dịch vụ công nghệ số hoặc sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số đặc biệt, cần được chú trọng thì nên bổ sung các quy định cụ thể về quản lý, sản xuất, cung cấp, giao dịch tài sản số ngay trong dự thảo luật (như đối với công nghiệp bán dẫn và hệ thống công nghệ thông tin) thay vì giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, tài sản số là vấn đề rất mới, phức tạp, đang đặt ra nhiều thách thức về quản lý. Do vậy, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rà soát kỹ lưỡng khái niệm, phân loại tài sản số, dữ liệu số, quyền, nghĩa vụ của người sở hữu tài sản số, quản lý nhà nước về tài sản số, đồng thời, đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán và các luật có liên quan.

Ủy ban này đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... nghiên cứu giới hạn phạm vi quy định về tài sản số trong dự thảo luật theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, các nội dung cụ thể sẽ được điều chỉnh bởi các văn bản hướng dẫn thực hiện và quy định chi tiết.

Cẩm Hà

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/luat-hoa-tai-san-so/