Luật Di sản văn hóa 2024: đưa di sản văn hóa thành nguồn lực phát triển

Luật Di sản văn hóa 2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà hước về văn hóa, di sản văn hóa.

Nhiều đột phá quan trọng

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua, trong đó có Luật Di sản văn hóa 2024.

Hát Dô Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Ảnh: Phương Nga

Hát Dô Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024. Ảnh: Phương Nga

Giới thiệu về Luật, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, Luật Di sản văn hóa 2024 được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2024 gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành. Luật đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Luật đã làm rõ các hình thức sở hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng) và việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình; rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đối tượng; nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Một trong những đột phá quan trọng của Luật Di sản văn hóa 2024 là mở rộng các quy định liên quan đến phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác và sử dụng di sản, thúc đẩy hợp tác công tư và thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Điều này tạo cơ chế thu hút tối đa các nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, Luật cũng đồng bộ với các quy định phát luật liên quan, cho phép triển khai các dự án đầu tư và công trình kinh tế - xã hội tại khu vực di sản.

Quy định này đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định di sản trở thành tài sản, tài nguyên đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch bền vững và phát triển công nghiệp văn hóa ở các địa phương.

Một điểm nhấn quan trọng khác của Luật Di sản văn hóa 2024 là các quy định liên quan đến việc chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản trên môi trường điện tử. Qua đó góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh và hiện đại”.

Lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh. Ảnh: Công Hùng

Với những điểm mới nổi, Luật Di sản văn hóa 2024 tác động sâu rộng tới đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của đất nước, góp phần tạo bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của quốc gia cũng như các địa phương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Điều này đáp ứng mục tiêu phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước.

Khẳng định vị thế của di sản văn hóa Việt Nam

Có thể nói năm 2024 là một năm nhiều dấu ấn của lĩnh vực di sản văn hóa Việt Nam. Theo đó, Việt Nam có thêm hai di sản được UNESCO ghi danh gồm: những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế được đưa vào Danh mục di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Cùng với đó, năm 2024, Bộ VHTT&DL đã đưa 86 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của cả nước lên 620.

Lung linh Khuê Văn Các. Ảnh: Tạ Quang Hậu

Lung linh Khuê Văn Các. Ảnh: Tạ Quang Hậu

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện nay, trên cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp…

“Di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu nổi bật, trên con đường phát triển, chúng ta cần phải nhận diện được một số khó khăn, thách thức để cùng vượt qua” - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền chia sẻ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Luật Di sản văn hóa 2024 đặt ra tầm nhìn xa hơn, không chỉ bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn định vị di sản văn hóa Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Điểm nhấn quan trọng của Luật Di sản văn hóa là chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Chủ trương này tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tốt hơn vai trò "người chủ thực sự" của di sản tại chính nơi nó hiện diện.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành VHTTD&DL mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần quốc tế hóa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, hệ giá trị Việt Nam thông qua VHTT&DL, đồng thời Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới.

Trong số 7 nhóm giải pháp quan trọng chỉ đạo với ngành VHTT&DL, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, giải pháp chủ yếu, mà trước hết là tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, Luật Di sản văn hóa 2024 đã khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, bổ sung các quy định mới nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Đồng thời, Luật góp phần định vị thương hiệu địa phương, quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế của di sản văn hóa Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-di-san-van-hoa-2024-dua-di-san-van-hoa-thanh-nguon-luc-phat-trien.html