Lứa tuổi học sinh tham gia phòng, chống nạn tảo hôn

Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã để lại nhiều hậu quả về sức khỏe và tâm lý đối với trẻ em. Để ngăn chặn thực trạng này và giúp giảm thiểu vấn nạn tảo hôn, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp cùng các chương trình, dự án, các đơn vị, địa phương đã đưa nội dung tuyên truyền giới tính vào trong trường học, nhất là ở khối THCS và THPT.

Câu lạc bộ Trẻ em vui, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc, huyện Hướng Hóa sinh hoạt định kỳ giúp các em nâng cao kiến thức và tự tin trở thành tuyên truyền viên tích cực về phòng, chống nạn tảo hôn - Ảnh: Đ.V

Vào mỗi cuối tuần, buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ (CLB) Trẻ em vui tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc, huyện Hướng Hóa lại diễn ra sôi nổi và hào hứng. Thông qua các tranh vẽ, các thành viên của CLB sẽ tuyên truyền về tác hại, hệ lụy từ việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống một cách sinh động và dễ hiểu.

Các em cũng không ngần ngại nói lên những ước mơ, hoài bão của bản thân và thảo luận cách tiếp cận các phụ huynh trong thôn, bản để mọi người hiểu hơn, thay đổi nhận thức và chung tay đẩy lùi vấn nạn tảo hôn.

Em Hồ Thị Ru Tơ, lớp 8 B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc tự tin chia sẻ: “Chúng em đã được tuyên truyền, giáo dục là không được kết hôn sớm và phải cố gắng học tập, học hết đại học để mai sau có cuộc sống tốt đẹp hơn, để không còn vất vả, nghèo khó như thế hệ ông bà, bố mẹ. Với bản thân, em ước mơ sẽ được học đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định để thay đổi tương lai và có thể giúp ích cho gia đình và đóng góp cho sự phát triển của bản làng, quê hương”.

Cũng như em Ru Tơ, 40 thành viên của CLB Trẻ em vui, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc đều là những tuyên truyền viên tích cực trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn tại địa phương. Các em là những người con của dân bản, biết ngôn ngữ dân tộc mình, am hiểu phong tục, tập quán và hiểu rõ hoàn cảnh của mỗi gia đình…

Từ đó, có cách tiếp cận riêng, phù hợp để tuyên truyền cho đồng bào dân tộc mình một cách hiệu quả nhất. Ngoài CLB Trẻ em vui của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc, thì hiện nay 8 CLB trẻ em vui khác với gần 500 thành viên sinh hoạt tại các trường học trên địa bàn huyện Hướng Hóa hoạt động hiệu quả cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS về vấn nạn tảo hôn.

Anh Hồ Văn Thọ, người dân thôn Tà Núc, xã Húc, huyện Hướng Hóa chia sẻ: “Thế hệ như chúng tôi trước đây do nhận thức còn hạn chế nên không coi trọng việc học mà ham chơi, thường dẫn đến bỏ học sớm và tảo hôn. Nhưng thế hệ các cháu nay đã khác, phần nhiều các cháu đã có ý thức, trách nhiệm với bản thân, biết nói không với kết hôn sớm để có tương lai tốt đẹp. Các cháu cũng tích cực tuyên truyền lại cho các em nhỏ, các gia đình và xóm làng hiểu rõ tác hại của tảo hôn để chung tay đẩy lùi hiệu quả vấn nạn này”.

Kết quả tích cực có được từ các CLB trẻ em vui là nhờ sự hỗ trợ đến từ nền tảng “Em Vui” thuộc Dự án “Tăng cường nhận thức của trẻ em, thanh thiếu niên DTTS về mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số” được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) phối hợp thực hiện với Tổ chức Plan International tại Việt Nam với sự hợp tác của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan khác triển khai cho học sinh miền núi tại 11 huyện, 52 xã của 4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình và Quảng Trị, giai đoạn từ năm 2020 - 2023.

Nền tảng “Em Vui” là một diễn đàn thân thiện và tin cậy để thanh thiếu niên DTTS tham gia học tập, giao lưu, chia sẻ, lan tỏa kiến thức. Sự đổi thay trong nhận thức của DTTS về tảo hôn hiện nay ngoài sự tích cực của nhà trường, học sinh và địa phương, còn có sự đóng góp rất lớn của các dự án phi chính phủ.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Húc Nguyễn Tư Mạnh cho biết: “Thời gian qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo thầy, cô xây dựng các chương trình với nội dung phù hợp để giúp CLB Trẻ em vui triển khai các hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu là để sau này tốt nghiệp các em nhận thức được vấn đề nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn cũng như bỏ học giữa chừng để có tương lai tốt đẹp hơn trong nghề nghiệp cũng như học tập sau này”.

Hướng Hóa, Đakrông là các huyện miền núi có hơn 50% người dân là đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều.

Đây cũng là 2 địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng tảo hôn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2021, Quảng Trị có 894 trường hợp tảo hôn, trong đó có 9 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Để góp phần thay đổi nhận thức cho học sinh, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp các chương trình, dự án, các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương đã đưa nội dung tuyên truyền giới tính vào trong trường học để ngăn chặn và giúp giảm thiểu hậu quả do vấn nạn tảo hôn gây ra ở lứa tuổi học đường.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/lua-tuoi-hoc-sinh-tham-gia-phong-chong-nan-tao-hon/178923.htm