Lựa chọn tổ hợp môn lớp 10: Tránh theo số đông, trào lưu
Theo các chuyên gia, chọn tổ hợp môn tự chọn lớp 10, học sinh phải căn cứ vào năng lực, sở thích bản thân... để có quyết định phù hợp.
Năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn thành chương trình THPT.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 học sinh sẽ phải thi 4 môn, trong đó, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc.
Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Với việc Ngoại ngữ không còn phải là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh bắt đầu lo lắng đến việc chọn tổ hợp môn khi vào 10.
Em Nguyễn Ngọc Minh Hiếu, học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết: “Việc chọn phân ban trong cấp 3 cũng ảnh hưởng tới việc chúng em vào ngành nào khi lên đại học. Do đó, em cùng với gia đình đã sắp xếp, cân nhắc để chọn ra phân ban phù hợp, ví dụ như ban D”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nụ, phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi vào 10, cũng trăn trở về việc chọn tổ hợp môn cho con. “Khi con bắt đầu chuẩn bị thi 10, tôi đã làm việc với con, biết được điểm mạnh của con là những môn nào. Thông qua các môn học đó, tôi cũng đã có những định hướng cụ thể bắt đầu khi vào 10 sẽ chọn cho con tổ hợp môn nào. Con tôi học tốt Toán, Ngữ văn, tiếng Anh vì vậy chúng tôi cũng muốn con tập trung vào đấy”.
Việc lựa chọn tổ hợp môn học có tính quyết định đến suốt quá trình học và định hướng ngành nghề của học sinh sau này. Với môn tiếng Anh, ngoài phục vụ thi cử, việc bổ sung các kỹ năng nghe, nói, đọc viết cũng mang đến nhiều thuận lợi cho các em trong giao tiếp và phát triển nghề nghiệp tương lai.
NGƯT Nguyễn Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh, chia sẻ: “Chúng tôi thường tổ chức các chương trình ngoại khóa và các buổi này, chúng tôi dạy cho học sinh những kỹ năng mềm. Những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng tuyển sinh bằng phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng anh IELTS, TOEFL, chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam... Việc chọn tổ hợp môn sớm, đặc biết là tổ hợp môn có Ngoại ngữ, đã tạo thêm cơ hội cho các em vào đại học và định hướng nghề nghiệp”.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục cũng cho rằng việc lựa chọn tổ hợp môn rất quan trọng trong suốt thời gian THPT và cả việc định hướng nghề nghiệp sau này. Bởi lẽ, nếu học sinh lựa chọn môn học phù hợp sẽ phát huy được thế mạnh của mình.
Trường hợp lựa chọn sai tổ hợp, học sinh sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực. Thực tế, năm ngoái - năm đầu tiên học sinh học chương trình mới lớp 10, không ít em không thể theo, phải chuyển tổ hợp. Thế nhưng, việc đổi tổ hợp môn tự chọn cũng rất phức tạp vì còn liên quan đến lượng kiến thức học sinh phải trau dồi cũng như việc kiểm tra, đánh giá.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh – Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng bên cạnh việc chọn môn học theo năng lực, sở trường, sở thích, học sinh cũng nên cân nhắc đến yếu tố nghề nghiệp trong tương lai.
“Lựa chọn tổ hợp tự chọn nên là những môn có tính chất định hướng nghề nghiệp và phù hợp năng lực học sinh. Nhiều em sợ môn học tự nhiên khó nên không dám chọn. Thế nhưng, sau này các em muốn xét tuyển đại học bằng khối A1 không học môn tự nhiên sẽ rất khó", bà Quỳnh nói.
Theo bà Nguyễn Thị Là - Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Lão ( Hải Phòng), trước khi đăng ký, học sinh và phụ huynh cần chú ý tìm hiểu kỹ tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn của nhà trường năm học 2023-2024.
“Căn cứ vào năng lực, sở trường và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai được coi là yếu tố tiên quyết để đăng ký tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn.
Việc lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp học sinh yên tâm trong quá trình học tập, trang bị tốt nhất những kiến thức cần thiết nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và nghề nghiệp sau này.
Học sinh tránh việc chọn theo số đông, theo trào lưu hay theo nhóm bạn học cùng lớp. Cha mẹ không nên áp đặt những môn học, ngành nghề mình yêu thích lên con mà không xem xét đến năng lực, sở trưởng cũng như cảm xúc và tâm lý của các em”, cô Là nói.