Lợi nhuận ACB tăng mạnh nhờ thu nhập ngoài lãi

Thu nhập ngoài lãi đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của ACB trong quý vừa qua, trong bối cảnh nguồn thu truyền thống từ tín dụng có dấu hiệu chững lại.

Thu nhập ngoài lãi dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 vừa được công bố, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 10.690 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và hoàn thành 46% kế hoạch năm đề ra là 23.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, động lực tăng trưởng chính trong quý vừa qua đến từ các khoản thu nhập ngoài lãi, trong bối cảnh nguồn thu truyền thống từ tín dụng có dấu hiệu chững lại.

Theo đó, thu nhập lãi thuần trong quý II chỉ đạt 6.680 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ việc chi phí vốn gia tăng trong khi biên lãi ròng (NIM) chịu áp lực thu hẹp do cạnh tranh lãi suất huy động ngày càng lớn khiến hiệu quả thu lãi từ tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong đánh giá mới nhất, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng NIM của ACB sẽ tiếp tục chịu áp lực từ phía đầu ra do các ngân hàng ưu tiên tăng trưởng. Đơn vị này đã điều chỉnh dự báo NIM năm 2025 của ACB giảm xuống còn 3,47%, trước khi kỳ vọng mức hồi phục nhẹ lên 3,53% vào năm 2026.

Trong bối cảnh biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng bị thu hẹp, các khoản thu nhập ngoài lãi đã trở thành điểm tựa đáng kể trong bức tranh tài chính quý II của ACB.

NIM của ACB được dự báo cải thiện dần về cuối năm. Ảnh: KBSV

NIM của ACB được dự báo cải thiện dần về cuối năm. Ảnh: KBSV

Đặc biệt, khoản thu từ hoạt động khác ghi nhận 812 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận chung. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận đạt 670 tỷ đồng, tăng 57% so với quý II/2024.

Đáng chú ý, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán từ đầu năm giúp mảng mua bán chứng khoán đầu tư mang lại 446 tỷ đồng lãi thuần, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 14 tỷ đồng. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh cũng có chuyển biến tích cực khi ghi nhận lợi nhuận 36 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 41 tỷ đồng của quý II năm ngoái.

Ngoài ra, thu nhập từ góp vốn và mua cổ phần đạt 58 tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với cùng kỳ. Diễn biến này phản ánh sự chủ động của ACB trong việc tận dụng cơ hội đầu tư tài chính và tối ưu hóa hiệu quả từ các khoản đầu tư chiến lược.

Bên cạnh những điểm sáng, một số mảng hoạt động vẫn ghi nhận kết quả kém tích cực. Lãi thuần từ dịch vụ – nguồn thu ổn định từ bán lẻ và thanh toán – giảm mạnh 34% so với cùng kỳ, chỉ còn 584 tỷ đồng trong quý II.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ACB tăng 8% so với đầu năm, lên 933.500 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tiếp tục tăng trưởng, đạt khoảng 634.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, với cơ cấu cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động cao và rủi ro tín dụng khiến biên lợi nhuận chịu sức ép.

Ở chiều huy động, ACB ghi nhận 707.000 tỷ đồng, tăng 10,6%. Trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 5,6%, còn lại là giấy tờ có giá tăng mạnh 37%, phản ánh chiến lược gia tăng nguồn vốn trung dài hạn, dù kéo theo chi phí cao hơn.

Tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,51% hồi đầu năm xuống 1,28%. Nợ có khả năng mất vốn giảm gần 13%, còn gần 5.900 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác xử lý nợ.

Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ đạt 76%, xếp vào nhóm trung bình trong hệ thống. KBSV vẫn đánh giá cao chất lượng tín dụng của ACB nhờ chiến lược cho vay thận trọng, bao gồm cả hoạt động cho vay trong các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, từ phát triển dự án đến cho vay mua nhà.

Đồng thời, chi phí dự phòng có thể sẽ giảm trong thời gian tới nhờ quá trình tố tụng và thu hồi nợ được đẩy mạnh trong bối cảnh thanh khoản của thị trường bất động sản đang dần cải thiện.

Tận dụng sự phục hồi của thị trường

Bước vào nửa cuối năm 2025, ACB được kỳ vọng sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tín dụng bền vững nhờ chiến lược danh mục cho vay hạn chế rủi ro và khả năng thích ứng linh hoạt với điều kiện thị trường.

Theo dự báo của KBSV, phân khúc doanh nghiệp lớn (MMLC) sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số do hiện nay chỉ chiếm khoảng 10% tổng dư nợ, tạo dư địa mở rộng lớn cho ngân hàng.

Đồng thời, nhu cầu tín dụng từ khách hàng cá nhân, vốn chiếm hơn 60% cơ cấu dư nợ, được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2025 và sang năm 2026, đồng hành cùng đà phục hồi của nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có thể sẽ hồi phục chậm hơn do mức độ nhạy cảm cao với các biến động kinh tế vĩ mô.

Về cơ cấu lĩnh vực cho vay, ACB đang mở rộng tín dụng vào bất động sản khu công nghiệp với tỷ trọng khoảng 1 đến 1,5% tổng dư nợ. Theo chia sẻ từ phía ngân hàng, khách hàng chính trong lĩnh vực này là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần nhỏ từ Trung Quốc, vì vậy tác động tiêu cực từ các chính sách thuế quan bất định dự kiến sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến danh mục cho vay của ACB.

Đồng thời, các khoản cho vay dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khối FDI hiện chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 5%, với thị trường chủ yếu nằm ngoài khu vực Mỹ. Điều này sẽ giúp ACB hạn chế được ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp đánh thuế đối ứng của Mỹ.

Dựa trên các yếu tố vĩ mô và chiến lược nội tại, KBSV tiếp tục duy trì dự phóng tăng trưởng tín dụng 17% cho cả năm 2025 đối với ACB. Dự báo này được hỗ trợ bởi chiến lược đa dạng hóa danh mục, định hướng thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68, cũng như triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản tại khu vực miền Nam, vốn là thị trường trọng điểm của ACB, khi nguồn cung dự kiến sẽ cải thiện rõ rệt trong các quý tới.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/loi-nhuan-acb-tang-manh-nho-thu-nhap-ngoai-lai-d41312.html