Lời khuyên của bác sỹ Hà Tĩnh với người cao tuổi khi thời tiết chuyển lạnh
Các bác sỹ Hà Tĩnh khuyến cáo, ngoài các bệnh về hô hấp thì thời tiết mùa đông sẽ khiến người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm như: đột quỵ tim, đột quỵ não...
Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp khiến người dân dễ mắc phải nhiều bệnh lý. Đặc biệt, đối với người cao tuổi, do sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên nguy cơ bị nhiễm bệnh, nhiễm các loại vi khuẩn, virus càng lớn hơn.
Đầu tiên là phải kể đến các bệnh lý về hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản. Theo khảo sát, trong những ngày gần đây, do thời tiết thay đổi nên số lượng bệnh nhân là người cao tuổi vào nhập viện điều trị ở các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh gia tăng. Tại Khoa Nội A - Lão học (BVĐK tỉnh), có hàng chục bệnh nhân bị các bệnh về hô hấp đang được điều trị nội trú. Do tuổi cao, sức đề kháng yếu nên khi nhiễm bệnh, thời gian điều trị phải kéo dài hơn so với những bệnh nhân ở lứa tuổi khác.
Bệnh nhân Lê Văn Chung (62 tuổi, huyện Kỳ Anh) cho biết: “Do trước đây tôi hay hút thuốc khiến cho phổi bị tổn thương. Giờ đây, mỗi khi thời tiết chuyển lạnh là lại bị ho và khó thở nên phải vào bệnh viện để được các bác sỹ điều trị”.
Ngoài các bệnh lý về hô hấp thì thời tiết chuyển lạnh cũng khiến người già dễ mắc phải các loại bệnh khác như: xương khớp, tai mũi họng, tăng huyết áp hay nghiêm trọng hơn là những cơn đột quỵ tim, đột quỵ não.
Theo các chuyên gia, khi trời lạnh sẽ làm tăng tiết catecholamin trong máu khiến mạch máu co lại. Từ đó, làm tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim. Đồng thời, nồng độ 1 số thành phần đông máu cũng thay đổi như: tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và tăng độ nhớt của máu... khiến tình trạng đông máu tăng lên, dễ hình thành cục máu đông và các cục máu đông sẽ bít tắc lòng mạch, gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim.
Bác sỹ Ngô Xuân Lam - Phó Trưởng khoa Nội A - Lão học (BVĐK tỉnh) cho biết: “Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu nhưng nhiều bệnh nhân vẫn có tâm lý chủ quan, thay đổi lối sống, không tuân thủ giờ giấc sinh hoạt và ít vận động. Đặc biệt, có một số người theo chỉ định phải dùng thuốc định kỳ điều trị bệnh mãn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch nhưng khi khi đến mùa lạnh lại trì hoãn uống thuốc hoặc bỏ khám định kỳ, chờ đến thời tiết ấm hơn. Điều này dễ khiến bệnh chuyển nặng và tăng nguy cơ đột quỵ”.
Để tránh hệ lụy xấu với sức khỏe khi trời trở lạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người cao tuổi nên đảm bảo đủ ấm, nhất là vùng đầu, mặt, cổ, ngực và chân; tránh đi ra ngoài khi nhiệt độ quá thấp, tránh dậy sớm, thức khuya; duy trì chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh, ăn chín, uống sôi, ăn đồ ấm, chú ý uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ; khuyến khích duy trì chế độ tập luyện như: đi bộ, xe đạp, bóng bàn, dưỡng sinh... (trước khi tập nên khởi động làm ấm cơ thể, duy trì thời lượng tập thích hợp, nếu trời lạnh quá có thể tập luyện trong nhà).
Khi thời tiết chuyển lạnh phải luôn giữ môi trường trong nhà đủ ấm, tránh gió lùa, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ vì nhiệt độ thấp, độ ẩm cao dễ khiến các loại virus, vi khuẩn gây cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phát triển. Tránh việc sưởi ấm bằng than củi hoặc than đá trong trong phòng kín gây nguy cơ ngộ độc khí CO2. Đối với những người có bệnh nền cần tuân thủ việc uống thuốc theo chỉ định, đúng giờ. Khi phát hiện sức khỏe có bất thường, cần đưa người cao tuổi tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám, cấp cứu kịp thời.