Lời giải cho bài toán duy trì mức sinh thay thế
Việt Nam luôn duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) trong gần 20 năm liên tục từ năm 2002 đến 2020, nhưng gần hai năm nay, mức sinh của phụ nữ giảm xuống 1,96 con và không đạt mức sinh thay thế.
Mức sinh giữa các vùng, miền có sự chênh lệch
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, tỉ suất sinh tăng nhẹ, hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con) và đến năm 2023, theo thống kê mới nhất, mỗi phụ nữ Việt Nam có 1,9 con, thấp nhất từ trước đến nay.
Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định, khi mà mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số khoảng 104 triệu người.
Đánh giá về 30 năm thực hiện Chương trình Hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn như chênh lệch tỉ lệ sinh giữa các vùng; nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao…
Một trong những thách thức của công tác dân số và phát triển tại Việt Nam đó là nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, ông Dũng cho biết, mức sinh thay thế là mức sinh trung bình của người phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời của mình sinh đủ số con để thay mình thực hiện chức năng sinh đẻ và duy trì (nòi giống). Khi tổng tỉ suất sinh là 2,1 con/phụ nữ, sẽ được coi là đạt mức sinh thay thế.
Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…
Hiện nay, mức sinh giữa các vùng, miền đang có sự chênh lệch đáng kể. 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; thậm chí một số địa phương có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền trung.
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có tỷ lệ giảm sâu: năm 1999 vùng này vẫn còn tỷ lệ một phụ nữ sinh 2,9 con thì hiện nay giảm xuống chỉ còn 1,56 con.
Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực. Các tỉnh có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Dũng, mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng dân số, quy mô dân số cũng như cơ cấu dân số tại một quốc gia. Nếu mức sinh quá cao so với mức chết sẽ dẫn đến quy mô dân số tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngược lại, nếu mức sinh quá thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy, thể hiện ở những điểm lớn sau: Một là sự thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động; hai là gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỉ trọng người cao tuổi; ba là làm suy giảm quy mô dân số và tăng trưởng âm về dân số. Những yếu tố này đều có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân tích nguy cơ, thời cơ và giải pháp đồng bộ về phát triển bền vững dân số và đưa ra cảnh báo: Nếu Việt Nam không có đột phá chính sách kinh tế - xã hội và chính sách dân số thì mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm sâu, đi theo con đường của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản như hiện nay.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, kinh tế gần như là yếu tố đầu tiên khi được đề cập nguyên nhân kết hôn muộn và sinh ít con. Để mỗi gia đình có thể sinh được 2 con thì thu nhập, điều kiện làm việc, chế độ nghỉ khi có thai và sinh con, chế độ lương và thăng tiến ở doanh nghiệp phải khuyến khích việc lập gia đình và sinh con; không tạo ra xung đột giữa việc làm và gia đình, có con. Cần có chính sách hỗ trợ người lao động mua nhà, rút ngắn thời gian làm việc...
Chính sách “Duy trì mức sinh thay thế”
Cục trưởng Lê Thanh Dũng cho biết thêm, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ "mức sinh thay thế" sang xu hướng "mức sinh thấp", từ mô hình "sinh sớm" sang mô hình "sinh muộn", từ "mức chết cao" sang "mức chết thấp", từ cơ cấu "dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số" và chuyển sang "dân số già".
Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỉ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỉ trọng người già tăng lên.
Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số, một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là "Duy trì mức sinh thay thế".
Theo đó, xây dựng các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước; quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách dân số; góp phần khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng, làm chậm quá trình già hóa dân số; gắn với phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển đất nước bền vững.
Quy định các biện pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Chính phủ quy định các biện pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể phù hợp từng thời kỳ và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp hỗ trợ, khuyến khích để đạt và duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; ưu tiên đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Quy định quyền của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; đồng thời quy định nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con. Trong đó đưa ra hai giải pháp thực hiện chính sách:
Giải pháp 1: Quy định các biện pháp duy trì mức sinh thay thế.
Giải pháp 2: Giữ nguyên hiện trạng như quy định hiện hành
Cơ quan đề nghị xây dựng dự thảo Luật cho rằng: Giải pháp 1 sẽ góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 21, Nghị quyết số 42 của Đảng và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số; tạo cơ sở pháp lý trong việc xây dựng, thực hiện các biện pháp cụ thể điều chỉnh mức sinh phù hợp tại các vùng, miền, các tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, khắc phục tình trạng người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, kéo dài thời gian cơ cấu dân số vàng, tránh được già hóa dân số nhanh, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm quyền con người, phù hợp với Hiến pháp; phù hợp với các quy định tại Công ước CEDAW.
Đồng thời, cũng tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến công tác dân số mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với các cam kết chính trị của Việt Nam đã đưa ra tại các diễn đàn đa phương và tác động tốt với dư luận quốc tế.
Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước sẽ có tác động kinh tế cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Khống chế được tốc độ gia tăng dân số dẫn đến quy mô dân số tăng chậm, hạn chế việc tăng thêm hàng chục triệu người; giúp tăng thu nhập bình quân đầu người khoảng 2%/năm, an ninh lương thực được đảm bảo, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, giảm tỉ lệ hộ nghèo.
Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi sinh con thứ 2
Ông Mai Trung Sơn - Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết, nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp, dự thảo Luật Dân số đưa ra đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2. Đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học.
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của mình để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.
(Còn tiếp)