Logistics Xanh: Chuyển đổi sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại diện Công ty Macstar cho rằng doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, cảng biển, kho bãi, phải chủ động chuyển đổi xanh sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vận chuyển hàng hóa tại Cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngành logistics đang chuyển dịch từ logistics truyền thống sang logistics số và logistics xanh và kỷ nguyên 4.0 chính là cơ hội để logistics Việt Nam vươn lên một tầm cao mới. Nhưng để tận dụng được cơ hội đó, cần có nỗ lực tổng thể, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Đây là thông tin do ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương đưa ra tại Hội thảo: “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0” do Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức chiều nay (24/4), tại Hà Nội.

Chi phí logistics còn cao

Theo tiến sỹ Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp Cục Xuất nhập khẩu cho hay, thời gian qua, ngành dịch vụ logistics đã có sự phát triển nhanh, trở thành ngành dịch vụ đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước.

Đơn cử là cơ sở hạ tầng logistics đã có những bước phát triển nhất định, từng bước dần đáp ứng nhu cầu phát triển của các hoạt động logistics. Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp dịch vụ logistics ngày càng tăng nhanh cả về số lượng, năng lực kinh doanh và chất lượng dịch vụ cũng dần được cải thiện và thị trường dịch vụ logistics ngày càng được mở rộng, tận dụng được lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do đem lại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều giải pháp công nghệ và được ứng dụng trong các hoạt động logistics.

Theo đánh giá, tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô thị trường năm 2024 ước tính trên 45 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới xếp hạng Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines).

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một số thách thức, trong đó chi phí logistics còn cao, dao động từ 16-20% GDP, cao hơn trung bình toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, cơ sở hạ tầng logistics còn thiếu tính liên kết, thiếu trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia; chưa hình thành được mạng lưới kho bãi, cảng cạn, cảng trung chuyển hiện đại. Ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp logistics, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có đủ nguồn lực để đầu tư vào chuyển đổi số.

 Tiến sỹ Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tiến sỹ Bùi Bá Nghiêm, Chuyên viên cao cấp Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ các giải pháp để phát triển ngành logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, nguồn nhân lực logistics thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quốc tế hóa. Đáng lưu ý, tác động của biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển xanh đang đặt ra áp lực rất lớn, đòi hỏi logistics phải thay đổi căn bản để giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng và hướng đến kinh tế tuần hoàn.

Dẫn chứng thực trạng logistics vùng trung du phía Bắc, bà Trương Thị Mùi, Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược và giải pháp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn logistics Bắc Giang cho rằng, kết cấu hạ tầng còn phân mảnh, phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ (chiếm 70-75%) dẫn đến chi phí cao và thiếu ổn định.

Ngoài ra, đường sắt, thủy nội địa tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả, trong khi về kho bãi, nhiều khu công nghiệp còn thiếu hệ thống hạ tầng kho bãi tiêu chuẩn, không đáp ứng chức năng tối ưu. Thiếu gắn kết giữa vận hành kho và dữ liệu chuỗi cung ứng.

Riêng hệ thống vận tải thủy, theo bà Trương Thị Mùi, hạ tầng nhỏ lẻ, manh mún, đa phần tự phát. Luồng lạch cạn bồi lắng, độ sâu không đảm bảo. Chưa có mạng lưới kết nối đồng bộ cảng-Trung tâm logistics-đường bộ-đường sắt, cũng như thiếu chính sách khuyến khích vận chuyển đường thủy.

Từ những tồn tại trên, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn logistics Bắc Giang nhấn mạnh đến giải pháp tích hợp đa phương thức vận tải với hệ thống kho thông minh, tiêu chuẩn quốc tế và triển khai logistics Xanh, logistics số.

Chuyển đổi để bứt phá

Phát triển logistics Xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và là điều kiện bắt buộc để hội nhập. Ông Cáp Trọng Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Macstar cho biết các tập đoàn đa quốc gia yêu cầu tiêu chuẩn môi trường cao. Vì vậy, Xanh hóa logistics là vấn đề mang tính sống còn thiết thực và là xu hướng tất yếu.

“Doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, cảng biển, kho bãi, phải chủ động chuyển đổi Xanh sớm để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu,” đại diện Macstar nói.

Macstar hiện là đơn vị tiên phong triển khai vận tải thủy nội địa bằng sà lan, kết nối Hải Phòng với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ông Cường cho biết tuyến vận tải này giúp giảm 70% phát thải so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đầu tư kho thông minh sử dụng năng lượng tái tạo và thử nghiệm trồng rừng để tạo tín chỉ carbon. Ông cũng kiến nghị cần có bộ tiêu chí logistics xanh quốc gia, đồng thời có chính sách tài chính ưu đãi như tín dụng xanh, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang, Tổng Giám đốc Lazada logistics-LEX Việt Nam đã nêu những kinh nghiệm nổi bật về xu hướng phát triển của logistics trong kỷ nguyên số.

Theo đó, để phát triển kho thông minh, doanh nghiệp đã tận dụng công nghệ mới nhất với 99% tự động hóa, thông qua AI và Machine Learning, cơ sở hạ tầng logistics của Lazada không chỉ cung cấp cho khách hàng dịch vụ giao hàng nhanh nhất và đáng tin cậy nhất mà còn thiết lập các tiêu chuẩn mới để xây dựng một hệ sinh thái logistics thương mại điện tử bền vững.

"Hệ thống AI của chúng tôi được tích hợp trong các khâu từ dự báo đơn hàng, tối ưu hóa tuyến giao hàng, điều phối kho vận đến phân tích hành vi tiêu dùng. Chuyển đổi số không chỉ giúp chúng tôi giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý mà còn mở rộng khả năng phục vụ ra các vùng sâu, vùng xa,” ông Quang nói.

 Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo về logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo về logistics. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thực tế chi phí logistics của Việt Nam còn ở mức cao, vì vậy để nâng sức cạnh tranh của hàng hóa, tại Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn 2045 đang được Bộ Công Thương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đã đặt mục tiêu đến năm 2035, đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 6%-8%; tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ logistics hằng năm đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 70%-80%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 12%-15% GDP)...

Ngoài ra, Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, cụ thể như: logistics xanh-sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải, ưu tiên vận tải đa phương thức, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông-là một hợp phần quan trọng.

“Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026-2030, trong đó logistics được xem là hạ tầng thiết yếu để đảm bảo tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử,” ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Biên tập Báo Công Thương cho hay.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tích cực phát triển logistics thông minh, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain, dữ liệu lớn (big data) vào hoạt động logistics-từ dự báo nhu cầu, quản lý tồn kho, vận hành kho bãi, theo dõi vận chuyển đến chăm sóc khách hàng và thanh toán điện tử./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/logistics-xanh-chuyen-doi-som-de-khong-bi-loai-khoi-chuoi-cung-ung-toan-cau-post1034771.vnp