Loay hoay tìm lời giải

Là một nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á và thứ 4 thế giới, tuy nhiên năng suất bình quân của lao động tại các nhà máy da giày Việt Nam hiện nay chỉ bằng 60 - 70% năng suất của các doanh nghiệp (DN) FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Đây được xem là rào cản cho các DN sản xuất da giày vừa và nhỏ trong nước.

Câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, sau 3 lần Hội đồng tiền lương quốc gia họp với mức tăng dự kiến 12,4%, tuy nhiên các bên đều không hài lòng về kết quả này. Với hơn 800 DN da giày đang sử dụng khoảng 1.000.000 lao động, các DN FDI chiếm chưa đầy 25% số lượng các DN của ngành nhưng quyết định tới 77% giá trị xuất khẩu. Nhiều DN sản xuất da giày cho rằng, không thể tăng lương tối thiểu cho người lao động khi năng suất lao động không tăng.

Trao đổi về vấn đề này ông Vũ Ngọc Giang - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu da giày (Bộ Công Thương) - cho rằng, năng suất lao động thấp không thể đổ lỗi cho người lao động. Mặc dù số công nhân hiện nay trong các DN da giày đều xuất thân từ nông thôn, trình độ ban đầu còn hạn chế, nhưng với một số ngành như: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản… thì chỉ cần đào tạo từ 1-3 tháng là người lao động có thể làm việc được. Tuy nhiên, năng suất lao động còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, máy móc dây chuyền công nghệ, môi trường làm việc của DN nữa. “Một anh kỹ sư với kinh nghiệm và chuyên môn cao nhưng chỉ có cái búa với dây chuyền lạc hậu như một cục sắt thì có tài mấy anh kỹ sư đấy cũng “chào thua”. Vậy DN không thể lấy lý do năng suất lao động thấp để không tăng lương tối thiểu” - ông Giang phản ánh.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Giang: Ngành Da giày Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển. Trong suốt thời gian này, công nghệ trong ngành Da giày trên thế giới đã đổi mới liên tục nhưng da giày Việt ít có chuyển biến. Hiện các DN vừa và nhỏ đang thiếu vốn, công nghệ, đội ngũ nhân sự cao cấp và năng lực quản trị chính điều này khiến năng suất lao động của DN thấp. Trong khi khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp, đội ngũ chuyên gia thiếu hiểu biết sâu và cập nhật công nghệ còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Khi thực hiện FTA các hàng rào thuế quan được hạ xuống thì các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan lại được dựng lên. Đây chính là nguy cơ cho các DN sản xuất da giày vừa và nhỏ trong nước. Năng suất lao động cùng vấn đề đổi mới công nghệ được cho là giải pháp nhưng cũng là thách thức lớn cho các DN này. Trong khi 60% sản phẩm da giày Việt Nam là gia công cho các đối tác nước ngoài dưới hình thức làm theo đơn đặt hàng với giá nhân công rẻ, cùng với đó là 80% DN nước ngoài quyết định đầu tư ở Việt Nam là do chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, với chính sách như hiện nay là tăng lương liên tục, với mức tăng trung bình 5 năm trở lại đây là 16%, đang gây sức nặng lớn cho các DN và làm giảm sức hút đầu tư nước ngoài.

Và để giải quyết vòng “luẩn quẩn” thiếu vốn mua máy móc hay muốn cải tiến kỹ thuật phải cần vốn mà lại là vốn lớn quả là quá sức đối với DN. DN rất cần nhà nước hỗ trợ với lãi suất, có như vậy năng suất lao động của các DN mới được cải thiện.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/loay-hoay-tim-loi-giai-77176.html